Kế hoạch 2217/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 2217/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2019
Ngày có hiệu lực 26/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trần Thị Nga
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2217/KH-UBND

Kon Tum, ngày 26 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”; Căn cứ hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 1735/BKHCN-TĐC ngày 14 tháng 6 năm 2019 về việc triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

- Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan.

- Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

- Triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản, thực phẩm trong tỉnh như cà phê, mía đường, rau hoa xứ lạnh, cá nước ngọt, v.v...

- Đến năm 2025 đạt tối thiểu 30% các doanh nghiệp sản xuất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại tỉnh Kon Tum có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

- Đến năm 2025 hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng và quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc

- Tổ chức các hội nghị phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các tài liệu hướng dẫn đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng thẻ truy xuất nguồn gốc.

- Hàng năm phối hợp với các đơn vị đủ điều kiện, năng lực để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh; giúp các doanh nghiệp, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, sơ chế, chế biến nhận thức rõ về lợi ích của việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR; đồng thời hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh thông báo những thông tin cơ bản về sản phẩm, cơ sở sản xuất chế biến; quy trình hoạt động của cơ sở lên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin sản phẩm.

- Tổ chức triển khai thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản, thực phẩm trong tỉnh theo yêu cầu của các cơ quan liên quan và theo nhu cầu của doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người sản xuất, doanh nghiệp thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc ứng dụng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, thực phẩm để người tiêu dùng từng bước thay đổi nhận thức và có ý thức hơn trong thói quen mua sắm.

2. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc

- Nghiên cứu áp dụng phần mềm, công nghệ mới phù hợp, tối ưu nhất trong việc xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại tỉnh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn có ứng dụng hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc; kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ, giải pháp ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.

3. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc

- Hợp tác với các đối tác nước ngoài, tổ chức mã số mã vạch quốc gia để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, công nhận hệ thống và thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị, hội thảo về truy xuất nguồn gốc tại tỉnh với sự tham gia của các ngành, cơ quan liên quan, doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân có nhu cầu.

4. Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, thực phẩm của tỉnh, phục vụ quản lý, kiểm soát nông lâm thủy sản, thực phẩm đảm bảo an toàn từ các cơ quan quản lý đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn tỉnh và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ các nguồn: Ngân sách nhà nước, vốn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý và sử dụng kinh phí triển khai Kế hoạch thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]