Kế hoạch 3036/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 3036/KH-UBND
Ngày ban hành 05/08/2022
Ngày có hiệu lực 05/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hồ Đại Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3036/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 05 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

Sau khi xem xét, đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 142/TTr- BDT ngày 01/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 như sau:

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. TỔNG QUAN VỀ DÂN SỐ, ĐỊA BÀN VÙNG DTTS&MN

1. Dân số

Theo số liệu thống kê đến năm 2020, người DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh là 251.920 người, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, chiếm 3,6% số người DTTS khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

2. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Phú Thọ

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 10 huyện miền núi (Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Ba), 218 xã vùng đồng bào DTTS&MN (63 xã khu vực I, 124 xã khu vực II, 31 xã khu vực III) và 254 thôn ĐBKK ngoài xã khu vực III (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, 41 xã ĐBKK, xã CT229 và 239 thôn ĐBKK được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giành cho vùng DTTS&MN.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Về kinh tế

Thu nhập bình quân đầu người DTTS trong tỉnh năm 2020 khoảng 24,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế vùng DTTS&MN dịch chuyển theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn đã có chuyển biến theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tổng huy động nguồn lực trên địa bàn vùng DTTS&MN giai đoạn 2016-2020 là 5.011.529 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương 636.713 triệu đồng, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) 1.492.056 triệu đồng; tín dụng 1.245.400 triệu đồng; huy động và lồng ghép 1.637.360 triệu đồng.

2. Văn hóa- xã hội

a) Giáo dục và đào tạo

Quy mô, mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học ngày một nâng cao; chất lượng đại trà của học sinh DTTS chuyển biến rõ nét, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa phương được thu hẹp đáng kể. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm tăng. Đến nay, 100% các xã vùng DTTS&MN có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở; tỷ lệ phòng học kiên cố vùng DTTS đạt 100%; Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông đạt 96,8%. Công tác dạy tiếng DTTS cho cán bộ quản lí, giáo viên vùng DTTS tiếp tục được triển khai, các chính sách đối với học sinh, cán bộ, giáo viên tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Y tế và chăm sóc sức khỏe vùng DTTS

Mạng lưới các cơ sở y tế vùng DTTS&MN ngày càng được củng cố, các chính sách y tế, dân số trên địa bàn vùng DTTS đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Đến nay, 100% các xã vùng DTTS đã có trạm y tế, có bác sỹ phục vụ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế. Toàn tỉnh có trên 400 cán bộ y bác sĩ là người DTTS, chủ yếu công tác ở tuyến huyện và cơ sở; trạm y tế các xã miền núi nhất là các xã ĐBKK được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh thiết yếu, 100% các trạm y tế vùng DTTS đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, trên 99,5% số trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đủ các loại vắc xin miễn dịch cơ bản. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em được triển khai thường xuyên và đồng bộ.

c) Lao động, việc làm và sinh kế của người dân

Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS so với hộ nghèo toàn tỉnh 30,08% (giảm 3,48% so với năm 2016), bình quân khoảng 0,7%/năm; huyện Tân Sơn được công nhận thoát nghèo trước 02 năm; 04 xã và 39 thôn ĐBKK ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS được cải thiện, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 65%, giải quyết việc làm tăng thêm 12.620 người DTTS (bình quân 2.200 người/năm), hỗ trợ cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm 250 dự án là người DTTS, tạo việc làm cho trên 403 lao động.

d) Văn hóa, thể thao và du lịch

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng DTTS&MN được duy trì; nhiều hoạt động lễ hội, phục dựng lễ hội mang bản sắc dân tộc được diễn ra. Đến nay, 99,1% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng người DTTS; 18 di tích thuộc vùng DTTS được Nhà nước xếp hạng; 12 lễ hội đã được tổ chức phục dựng và duy trì tại các địa phương; 100% các xã vùng DTTS của tỉnh được đầu tư và duy trì hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật. Đồng bào DTTS tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

đ) Quốc phòng, an ninh

Công tác quốc phòng an ninh vùng DTTS&MN được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh luôn được ổn định; xây dựng hệ thống quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh; xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị trên địa bàn tỉnh.

[...]