Kế hoạch 302/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2030

Số hiệu 302/KH-UBND
Ngày ban hành 18/05/2022
Ngày có hiệu lực 18/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 302/KH-UBND

An Giang, ngày 18 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2030

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020

Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình (gọi tắt là Chiến lược) luôn nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của xã hội và từng gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực gia đình. Qua đó, củng cố, ổn định và phát triển gia đình, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, thực hiện đạt mục tiêu của Chiến lược, Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Công tác gia đình đã tác động trực tiếp trong xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ. Các vấn đề liên quan đến gia đình ngày càng được quan tâm, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân. Nội dung về gia đình trở thành các tiêu chí công nhận các danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng cao, mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở vùng nông thôn từng bước được nâng lên. Toàn tỉnh có 507.051 hộ gia đình văn hóa, đạt 93,98% so tổng số hộ. Các chương trình, kế hoạch, đề án về gia đình triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh được kiềm chế và giảm mạnh (năm 2014, toàn tỉnh có 261 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2020 còn 35 vụ, giảm 226 vụ). Mô hình phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc (Có 675/888 khóm, ấp có CLB gia đình phát triển bền vững, 579 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 392 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 345 đường dây nóng).

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn như: Hoạt động phối hợp liên ngành chưa thường xuyên, đồng bộ; một số ngành chưa quan tâm nhiều đến công tác gia đình, chủ yếu thực hiện công việc theo yêu cầu của ngành chuyên môn; đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở thường xuyên luân chuyển nên công tác tham mưu đôi lúc chưa cao; công tác gia đình, PCBLGĐ tại một số địa phương lồng ghép chung với các hoạt động văn hóa - xã hội, chủ yếu tập trung vào các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh; một bộ phận người dân chưa tiếp cận và nắm bắt được chủ trương, chính sách về công tác gia đình, PCBLGĐ; công tác thu thập, xử lý thông tin các chỉ tiêu về công tác gia đình, BLGĐ thực hiện chưa đều khắp, số liệu không ổn định, độ chính xác đôi lúc chưa cao; tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số lượng nhưng tính chất và hình thức phức tạp, nguy hiểm hơn. Nguồn kinh phí vận động xã hội hóa cho công tác gia đình còn hạn chế.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030;

Thực hiện Quyết định 776/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 3năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kếhoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2030, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; chú trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 để tổ chức thực hiện có hiệu quả ở địa phương.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình và cả cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình góp phần xây gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung trong Kế hoạch phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; lồng ghép với các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời có sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc, tồn tại.

Gắn thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam với thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 31-KH/TU, ngày 28/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới và các chủ trương, chính sách liên quan phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 85% và đến năm 2030 đạt 100% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số.

Mục tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 85% và đến năm 2030 đạt 100% các gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại.

Mục tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 85% và đến năm 2030 đạt 100% các xã, phường, thị trấn có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở.

Mục tiêu 4: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 85% và đến năm 2030 đạt 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

Mục tiêu 5: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 85% và đến năm 2030 đạt 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Mục tiêu 6: Phấn đấu hằng năm 95% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.

[...]