Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 30/KH-UBND năm 2015 triển khai Quyết định 208/QĐ-TTg về "Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" đến năm 2020 trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 30/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2015
Ngày có hiệu lực 03/04/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Hải Anh
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH
TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày  03 tháng 4 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 208/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÁC THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, NHÀ VĂN HÓA, CÂU LẠC BỘ” ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”,

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được học tập thường xuyên, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

2. Yêu cầu:

Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương xây dựng việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, các câu lạc bộ; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ phải gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã - hội ở địa phương, đặc biệt là gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng thể

- Củng cố, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của thiết chế văn hóa; chú trọng công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, các khu văn hóa, nghệ thuật, thể thao năng khiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa của nhân dân; đồng thời đẩy mạnh các phong trào văn hóa ở cơ sở, giúp nhân dân tiếp cận các thông tin mới, đa dạng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn liền sự nghiệp văn hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động học tập suốt đời cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền về học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

2.1. Đối với hệ thống thư viện

- Phấn đấu Thư viện tỉnh, 100% Thư viện huyện, 20% tủ sách cơ sở xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập internet miễn phí để người dân được tiếp cận thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao hiểu biết; thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện, tra cứu tìm kiếm thông tin, tri thức phù hợp với nhu cầu người sử dụng; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về các vấn đề mà cộng đồng quan tâm.

- Phấn đấu hằng năm: Bổ sung thêm 10% số lượng sách, báo, tạp chí; tăng 10% số lượt sách luân chuyển từ tỉnh đến cơ sở; tăng 20% - 30% số lượt bạn đọc/tổng số dân sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức. Đến năm 2020 nâng tỷ lệ tin học hóa tài liệu quý hiếm lên 60-70%; 80% học sinh, sinh viên đến học tập tại các thư viện trong tỉnh.

- Phấn đấu Thư viện tỉnh, 40% Thư viện huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn, cập nhật kỹ năng, kiến thức cần thiết cho lực lượng lao động ở địa phương.

2.2. Đối với hệ thống bảo tàng

- Phấn đấu hàng năm thực hiện 02 cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh và trên 10 cuộc triển lãm chuyên đề tại các thiết chế văn hóa cơ sở. Xây dựng các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu để phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức trưng bày lưu động giới thiệu truyền thống, quảng bá bản sắc văn hóa Tuyên Quang.

- Phấn đấu hằng năm: Tăng bình quân 30% số lượt khách nội địa tham quan bảo tàng, trong đó khuyến khích khách tham quan là học sinh, sinh viên. Đến hết năm 2015, tin học hóa 50% tài liệu, hiện vật quý hiếm; phục chế 200 hiện vật gốc quý hiếm có tại Bảo tàng tỉnh để trưng bày. Đến năm 2020, tin học hóa 70% tài liệu, hiện vật quý hiếm; phục chế 250 hiện vật gốc quý hiếm có tại Bảo tàng tỉnh để trưng bày; xây dựng 01 bảo tàng tư nhân.

2.3. Đối với hệ thống nhà văn hóa và câu lạc bộ

Phấn đấu thu hút 70% số dân vùng đô thị và 50% số dân vùng nông thôn tham gia các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Củng cố cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị và phương thức hoạt động

1.1. Đối với hệ thống thư viện

- Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động học tập, phục vụ học tập trong các thư viện.

- Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tài liệu phục vụ phù hợp với đặc điểm dân cư trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú ý tới các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người kiếm thị, trẻ em.

[...]