Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Kế hoạch 30/KH-UBND năm 2015 thực hiện Quyết định 49/2014/QĐ-UBND về quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 30/KH-UBND
Ngày ban hành 12/01/2015
Ngày có hiệu lực 12/01/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận Phú Nhuận
Người ký Nguyễn Đông Tùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 12 tháng 01 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 49/2014/QĐ-UBND NGÀY 18/12/2014 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ VIỆC QUẢN LÝ NGƯỜI XIN ĂN KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ NHẤT ĐỊNH, NGƯỜI SINH SỐNG NƠI CÔNG CỘNG KHÔNG CÓ NOI CƯ TRÚ NHẤT ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Căn cứ Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND ngày 18/12/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Công văn số 6791/UBND-VX ngày 19/12/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường công tác quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn Thành phố từ nay đến Tết Ất Mùi và những ngày Lễ trọng đại trong năm 2015,

Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận triển khai kế hoạch quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn quận như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm quản lý, giáo dục và chăm sóc đối tượng xã hội được tốt và đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong cộng đồng dân cư trên địa bàn quận được căn cơ và bền vững.

- Xác định đây là nhiệm vụ, chủ trương của Nhà nước trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn; đồng thời, là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị các cấp và nhân dân.

- Đảm bảo tập trung đúng đối tượng, thủ tục hồ sơ đầy đủ theo quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đường trọng điểm, có biện pháp giúp đỡ đưa người cơ nhỡ sống lang thang vào cơ sở bảo trợ xã hội thành phố là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục không tạo kẽ hở về thời gian để cho đối tượng có điều kiện tiếp tục lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn và góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, mỹ quan đô thị của thành phố.

II. ĐỐI TƯỢNG TẬP TRUNG

1. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

- Người xin ăn không có nơi cư trú nhất định.

- Người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định.

- Không áp dụng đối với tu sĩ khất thực có giấy chứng nhận của cơ quan Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thẩm quyền.

2. Giải thích từ ngữ

- Người xin ăn: là những người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh Tu sĩ Phật giáo để đi khất thực hoặc những hành vi đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh, kẹo và các hành vi tương tự.

- Sinh sống nơi công cộng: là hành vi của những người mà mọi sinh hoạt hàng ngày (tắm, giặt, ăn, ngủ) đều diễn ra nơi công cộng.

- Nơi công cộng: Vỉa hè, lòng-lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ và những nơi công cộng khác.

- Người không có nơi cư trú nhất định là người không xác định được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định; người có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú nhưng không sinh sống tại nơi đó mà thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định.

3. Thủ tục: đảm bảo các hồ sơ theo quy định, cụ thể:

- Biên bản ghi nhận tiếp xúc người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định: phải ghi đầy đủ các nội dung; trong đó, phải xác định được đối tượng tập trung, hành vi vi phạm, địa điểm, thời gian, có chữ ký xác nhận đối tượng. (mẫu số 1)

- Biên bản về việc xác nhận đối tượng xã hội không nơi nương tựa cần được được giúp đỡ. (mẫu số 2)

- Công văn đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. (mẫu số 3)

- Biên bản bàn giao người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. (mẫu số 4)

- Hồ sơ bệnh án, kết luận giám định của cơ quan y tế quận trở lên (nếu có).

4. Nơi tiếp nhận quản lý:

Những người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định được tập trung vào các trung tâm sau đây:

[...]