Kế hoạch 2981/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 2981/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2023
Ngày có hiệu lực 10/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phan Văn Đăng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2981/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 10 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM KÊ, QUAN TRẮC, LẬP BÁO CÁO VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐA DẠNG SINH HỌC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (sau đây viết tắt là Đề án) và Quyết định số 410/QĐ-BTNMT ngày 04/3/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08/12/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 về phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

b) Nâng cao trách nhiệm, sự chủ động của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

2. Yêu cầu

Trên cơ sở các nội dung của Kế hoạch, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị; phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các nội dung khác được giao tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi:

Thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc và lập báo cáo đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên (bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Khu bảo tồn biển Hòn Cau,…), các hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao.

2. Đối tượng

Việc điều tra, kiểm kê, quan trắc nhằm theo dõi, đánh giá, giám sát hiện trạng và biến động đa dạng sinh học được thực hiện cho các đối tượng là các hệ sinh thái (bao gồm: Trên cạn, đất ngập nước, rạn san hô và thảm cỏ biển,...) và loài (bao gồm: Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài đặc hữu, loài bị đe dọa).

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cấp tỉnh nhằm đánh giá hiện trạng, giá trị, diễn biến đa dạng sinh học phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh theo yêu cầu chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản lý đa dạng sinh học của tỉnh và hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tổ chức, doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2022 - 2025:

- Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học. Xây dựng hệ thống quan trắc đa dạng sinh học tại các khu vực ưu tiên và vận hành phù hợp với quy hoạch. Trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị phục vụ hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học.

- Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh được xây dựng cơ bản hoàn thiện, vận hành trên cơ sở nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường với cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia.

b) Giai đoạn 2025 - 2030:

- 100% các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh được thực hiện chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực đội ngũ cán bộ được tăng cường, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học. Hệ thống quan trắc đa dạng sinh học được thiết lập đồng bộ, phù hợp với quy hoạch.

- Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh được nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thông tin, báo cáo, hoạch định chính sách quản lý bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kết nối, chia sẻ, cập nhật cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học theo quy định; tổ chức khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu từ kết quả điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế xã hội.

c) Giai đoạn sau 2030:

- Chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu vực ưu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

- Cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật thực hiện kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học được hoàn thiện, nâng cấp. 100% đội ngũ cán bộ thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học được tăng cường năng lực. Hệ thống quan trắc đa dạng sinh học được vận hành hiệu quả.

[...]