Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 292/KH-UBND năm 2022 về Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 292/KH-UBND
Ngày ban hành 11/11/2022
Ngày có hiệu lực 11/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 292/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3781/QĐ-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 5914/QĐ-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Đề án “Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021-2025”.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN

1. Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên tại Việt Nam

Năm 2015, kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thấy ngày nay vị thành niên, thanh niên có điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng hơn như: máy tính (52%) và kết nối internet (49%). So sánh với năm 2009 thì các con số này lần lượt chỉ là 20% và 11%. Hiện có hơn 90% vị thành niên trong độ tuổi 10-19 tuổi cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như: Internet, truyền hình và tin nhắn SMS trên điện thoại di động. Từ năm 2006 đến năm 2020, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ nữ vị thành niên, thanh niên có kiến thức đúng về thời điểm mà một người phụ nữ dễ thụ thai đã được cải thiện, mặc dù chưa nhiều. Tỷ lệ này ở nam tương ứng là 12,8% và 7,0%. Tỷ suất sinh ở nữ vị thành niên đã giảm đáng kể từ 46 ca sinh/1.000 phụ nữ năm 2011 xuống còn 16 ca sinh/1.000 phụ nữ năm 2020.

2. Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên tại thành phố Hà Nội

2.1. Tổ chức màng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên

- Hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tại Hà Nội được đổi mới, cải thiện; từng bước được đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân thủ đô. Nhiều tiến bộ khoa học, y học đã được áp dụng trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị; nhiều kỹ thuật cao đang được thực hiện trong các đơn vị y tế như thụ tinh nhân tạo, phẫu thuật nội soi, phát hiện sớm và điều trị ung thư sinh dục..., công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung, sức khỏe vị thành niên, thanh niên nói riêng được triển khai tại các bệnh viện cũng như tuyến y tế cơ sở.

- Màng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Hà Nội được bao phủ rộng khắp. Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được kiện toàn từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Tại tuyến Thành phố có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, 22 bệnh viện có khoa sản; 30 Trung tâm Y tế quận, huyện đều có các khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản; các Trạm y tế xã, phường, thị trấn và Phòng khám đa khoa đều có cán bộ chuyên trách. Bên cạnh đó, còn các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện ngành, bệnh viện tư nhân và các Phòng khám ngoài công lập trên địa bàn Thành phố triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

2.2. Kết quả hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên

- Các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai toàn diện và bao phủ toàn Thành phố nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ trẻ em. Các chỉ tiêu chính cơ bản phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, tỷ lệ khám thai của phụ nữ đẻ đạt 100%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ≥ 4 lần trong 3 thời kỳ đạt 99,2%; Tỷ lệ bà mẹ sinh có cán bộ y tế hỗ trợ đạt 100%; Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà sau sinh đạt 96,2%, tỷ lệ tử vong mẹ đạt 4,5/100.000 trẻ đẻ sống.

- Tổng số vị thành niên có thai là 602 người trên tổng số phụ nữ mang thai toàn Thành phố là 134.514 người, chiếm tỷ lệ 0,45%.

- Tỷ lệ phụ nữ đẻ ở tuổi vị thành niên chiếm 0,39% trong tổng số phụ nữ đẻ toàn Thành phố.

- Tỷ lệ phá thai tuổi vị thành niên chiếm 0,65% trong tổng số ca phá thai.

- Không có tai biến sản phụ khoa cũng như tử vong đối với vị thành niên.

- Từ năm 2018 đến năm 2020, Hà Nội đã triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên: Tổ chức giao lưu nói chuyện theo chuyên đề, truyền thông, tuyên truyền với nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các trường học trên địa bàn Thành phố giúp vị thành niên, thanh niên có thể tự theo dõi sự thay đổi và phát triển của cơ thể cũng như biết cách tự chăm sóc bản thân trong giai đoạn dậy thì, truyền thông phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em. Tổ chức giám sát, hỗ trợ tại các điểm cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản thân thiện vị thành niên. Các quận, huyện, thị xã cũng tích cực triển khai các hoạt động cung cấp sức khỏe sinh sản cho nam giới và vị thành niên qua hoạt động khám sức khỏe sinh sản cho nam giới và tổ chức truyền thông tại trường học cho học sinh. Ngoài ra, trong giai đoạn này đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cán bộ y tế cơ sở.

3. Một số khó khăn ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên

3.1. Nhân lực

Nhân lực y tế phân bố không đồng đều giữa các tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Thêm vào đó, nhân lực thường biến động nên tình trạng cán bộ được đào tạo lại không trực tiếp tham gia lâu dài trong cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên xảy ra khá phổ biến, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ. Ngoài ra, nhân lực của khối trường học có khả năng tham gia cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với vị thành niên, thanh niên còn hạn chế. Chưa triển khai đào tạo chuyên môn cho cán bộ cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin.

3.2. Tài chính

Đã bố trí kinh phí cho hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản trong đó có nội dung chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, tuy nhiên lượng kinh phí còn hạn chế.

[...]