Kế hoạch 29/KH-UBND triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 29/KH-UBND
Ngày ban hành 07/02/2024
Ngày có hiệu lực 07/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 07 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT; HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ; XÂY DỰNG CẤP XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT NĂM 2024

Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục thực hiện chất lượng, hiệu quả, đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và các văn bản khác của trung ương, của tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện góp phần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.

- Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Quán triệt và thực hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.

- Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trung ương chủ động triển khai đầy đủ nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, cơ quan thường trực Hội đồng, cán bộ pháp chế, phòng, ban, đơn vị được giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Triển khai các nhiệm vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu xã hội, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đổi mới, thiết thực, chất lượng, hiệu quả, hướng về cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

II. NHIỆM VỤ, HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM

1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

1.1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung được quy định tại Điều 10 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Chú trọng vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2023, năm 2024; các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các chính sách, quy định về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, dịch vụ công, chuyển đổi số; khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống dịch bệnh; chế độ, chính sách đối với người nghèo, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông đường bộ; các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong năm 2023, năm 2024 gắn với tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và chào mừng các ngày kỷ niệm, sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương; các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

1.2. Củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp

Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (Hội đồng phối hợp), Tổ Thư ký Hội đồng phối hợp các cấp; phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên trong việc tham mưu triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp các cấp theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2024.

1.3. Củng cố, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương

a) Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng; chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số và miền núi

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2024.

[...]