Kế hoạch 2870/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch 76-KH/TU về thực hiện Kết luận 97-KL/TW về chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 2870/KH-UBND
Ngày ban hành 05/11/2014
Ngày có hiệu lực 05/11/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2870/KH-UBND

Kon Tum, ngày 05 tháng 11 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 76-KH/TU NGÀY 14/8/2014 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 97-KL/TVV NGÀY 15/5/2014 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA XI) VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN.

Thực hiện Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 14/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 14/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 56/KL-TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Chương trình số 28/CTr-TU ngày 19/6/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V (khóa IX); tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, phát triển các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT), liên hiệp HTX tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh.

- Cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 01/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nhiều sản phẩm chưa gắn kết với thị trường, chất lượng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao, chưa khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Cần phải tăng cường vai trò, sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong việc lãnh chỉ đạo giải quyết các nội dung có liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Kết luận số 97/KL-TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 14/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum.

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

- Tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người nông dân, nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển nền nông nghiệp hàng hóa qui mô lớn.

II. NỘI DUNG

1. Đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

1.1. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Kết luận số 97/KL-TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 14/8/2014 của Tỉnh ủy Kon Tum.

Đơn vị thực hiện: các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Thời gian thực hiện: thường xuyên.

1.2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều loại hình phong phú, thiết thực về công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về hợp tác xã, nhất là Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, Trung ương.

Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, UBND các huyện, thành phố

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Rà soát, điều chỉnh công tác quy hoạch: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã phê duyệt, bổ sung các quy hoạch mới theo yêu cầu tái cơ cấu ngành, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực([1])

Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố.

Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong năm 2015.

3. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

3.1. Tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của tỉnh, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm nông sản chủ lực theo tinh thần Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy về Xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 (gồm: Cà phê, Cao su, Sắn, Sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, thủy sản nước ngọt, ...và các chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp).

- Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; thực hiện nghiêm chủ trương dùng khai thác gỗ rừng tự nhiên; tăng cường đầu tư cho phát triển rừng trồng nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất giấy và bột giấy, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

- Chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và giảm nghèo theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa ở khu vực nông thôn, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập cho nông dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

[...]