Kế hoạch 2865/KH-UBND năm 2019 về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2030

Số hiệu 2865/KH-UBND
Ngày ban hành 29/10/2019
Ngày có hiệu lực 29/10/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trần Thị Nga
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2865/KH-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 10 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN, PHÁT HUY TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2020 - 2030

Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Thực hiện Công văn số 784-CV/TU ngày 10 tháng 6 năm 2019 của Tỉnh ủy Kon Tum về bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2030”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trang phục truyền thống, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, góp phần phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Từng bước đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và xã hội; nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc.

- Giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương, góp phần phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trang phục truyền thống phải thực hiện đồng bộ với 07 dân tộc thiểu số (Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm), đảm bảo tính truyền thống, bản sắc riêng của từng dân tộc, không áp đặt, đồng hóa về trang phục giữa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống phải mang tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng cộng đồng dân tộc thiểu số.

- Phát huy tối đa mọi nguồn lực, sự chung tay thực hiện của các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện

1.1. Đối tượng:

- Cộng đồng 07 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm.

- Các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.

1.2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

1.3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 - 2030 (gồm 02 giai đoạn: 2020 - 2025 và 2026 - 2030).

2. Phân kỳ thực hiện

2.1. Giai đoạn 2020 - 2025

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong các tầng lớp nhân dân.

- Kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của 07 dân tộc thiểu số.

- Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

- Lập hồ sơ nghệ nhân tiêu biểu liên quan đến trang phục truyền thống đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

- Tổ chức 04 lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.

[...]