Kế hoạch 28/KH-UBND về hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2021

Số hiệu 28/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2021
Ngày có hiệu lực 09/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Dương Văn Lượng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 09 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2021

Thực hiện Quyết định số 184/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 170/TTr-SNN ngày 22/01/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Hành động bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2021, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; đảm bảo mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững.

Kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng ATTP các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nâng cao hoạt động quản lý về tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Tăng cường giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

- 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm được thực hiện.

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại A, B đt 98,5%.

- Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đạt 77%.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2020; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid còn tiếp diễn.

2. Thực hiện tốt Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 tỉnh Thái Nguyên; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh Thái Nguyên. Chỉ đạo thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn.

3. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh về ban hành quy định quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

4. Duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ ATTP; chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm. Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP, phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản trong bối cảnh Covid-19.

5. Tăng cường quản lý việc sử dụng sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các bếp ăn trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn học sinh. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, cam kết chỉ sử dụng nguyên liệu của các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy trình an toàn được chứng nhận hoặc cơ sở đã ký cam kết với chính quyền địa phương sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

6. Thực hiện quy định bắt buộc các siêu thị, chợ ở trung tâm thành phố, thị xã kinh doanh sản phẩm động vật phải có dấu kiểm soát giết mổ.

7. Gia tăng số lượng và đa dạng thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ pháp luật ATTP; phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP và truyền thông, quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

8. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý nhà nước về quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, chế biến và phát triển thị trường nông sản cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ATTP trong các chuỗi giá trị nông sản.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

IV. NGUỒN KINH PHÍ

1. Ngân sách Nhà nước cho quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, hoạt động đào tạo, thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

2. Vốn sự nghiệp kinh tế giao các cấp, các ngành.

3. Kinh phí huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]