Kế hoạch 2747/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 90/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 2747/KH-UBND
Ngày ban hành 23/08/2023
Ngày có hiệu lực 23/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2747/KH-UBND

 Kon Tum, ngày 23 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 90/NQ-CP NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 81/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 -2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-CP trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 90/NQ-CP của Chính phủ đối với các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh, làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

2. Yêu cầu: Việc cụ thể hóa phải bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về quy hoạch tổng thể quốc gia và nội dung Nghị quyết số 90/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Mục tiêu đến năm 2030

a) Về kinh tế: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt khoảng trên 10%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt trên 9,5%/năm; Cơ cấu ngành kinh tế ở giai đoạn 2021-2025 dự kiến với các ngành Công nghiệp - Xây dựng, Dịch vụ và Nông - Lâm - Thủy sản lần lượt là (32-33%), (42-43%) và (19-20%); giai đoạn 2026-2030 lần lượt là (33-35%), (43-45%) và (17-18%); GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người; Tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng trên 25% GRDP vào năm 2030; Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2030 đạt khoảng trên 45%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 52,3%. Trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

b) Về văn hóa - xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2030 đạt khoảng 0,7; Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8-10m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 30m2. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52% vào năm 2030; đạt 40 giường bệnh và 12 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%.

c) Về môi trường: Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 96%, ở nông thôn đạt 99%; tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định đạt 95%.

d) Về quốc phòng, an ninh: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Về dự án sử dụng vốn đầu tư công

Phân bổ kế hoạch vốn theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, tập trung triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật mang tính liên vùng và kết nối các vùng động lực. Trong giai đoạn 2026-2030, nghiên cứu xây dựng các dự án đầu tư phù hợp với mục tiêu, định hướng tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, các Quy hoạch ngành Quốc gia và Quy hoạch tỉnh được cụ thể hóa tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công

Thực hiện theo Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2023, đồng thời thu hút các dự án phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với mục tiêu, định hướng tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, các Quy hoạch ngành Quốc gia và Quy hoạch tỉnh.

3. Kế hoạch sử dụng đất

a) Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021 - 2025: Thực hiện theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chi tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

b) Xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2026 - 2030 theo quy định của pháp luật về đất đai trên cơ sở nhu cầu cho phát triển, bảo đảm khả thi, hiệu quả, bền vững và phù hợp với các định hướng sử dụng đất quốc gia xác định tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chi tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025, cụ thể như sau:

- Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của tỉnh, tạo bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Ưu tiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

- Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa.

- Quản lý chặt chẽ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, bảo vệ diện tích và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển và nâng cao chất lượng rừng trồng.

- Mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế, các trung tâm logistics, các đầu mối vận tải sau khi được đầu tư để giảm chi phí sản xuất. Tiếp tục mở rộng đất đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

- Bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 90/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XVI có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng.

* Cơ quan thực hiện: Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

[...]