Kế hoạch 274/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh tỉnh Quảng Bình năm 2022

Số hiệu 274/KH-UBND
Ngày ban hành 02/03/2022
Ngày có hiệu lực 02/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 274/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TỈNH QUẢNG BÌNH NĂM 2022

Năm 2021, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia, đặc biệt là đại dịch COVID-19 trên toàn cầu với nhiều biến chủng mới đáng quan ngại với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Hầu hết các nước trên thế giới đã thay đổi chiến lược từ “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn” và áp dụng nhiều biện pháp nhằm ứng phó phù hợp với biến thể Omicron; không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, đồng thời thúc đẩy việc mở cửa, giao lưu, giao thương quốc tế: du lịch quốc tế, mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta và Omicron là mối đe dọa kép làm gia tăng số ca mắc từ đó dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng lên đột biến, tiếp tục gây áp lực lớn lên các nhân viên và hệ thống y tế.

Tình hình cúm gia cầm ở người trên thế giới cơ bản ổn định, ghi nhận rất ít số ca mắc ở người, trong đó ghi nhận 01 trường hợp cúm A(H5N1) tại Ấn Độ, 01 trường hợp cúm A(H 10N3) tại Trung Quốc, 01 trường hợp cúm A(H3N2) tại Mỹ… Bệnh sốt xuất huyết Dengue hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu và được WHO đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Hiện bệnh đã lưu hành tại 128 quốc gia nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới, trong đó Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Việt Nam, trong năm 2021 ghi nhận đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, lây lan trong cộng đồng. Được sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân với chiến lược “thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả phòng chống dịch COVID-19”, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát hiệu quả. Các bệnh dịch lưu hành tiếp tục được khống chế, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản ổn định, có xuất hiện một số ổ dịch rải rác ở các địa phương những đã được can thiệp giải quyết kịp thời hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Tại Quảng Bình, tính đến hết ngày 31/12/2021 đã ghi nhận 3.715 ca mắc COVID-19 và 07 ca tử vong, chia làm 04 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (Từ 01/01- 04/07/2021): chưa ghi nhận ca bệnh.

- Giai đoạn 2 (Từ 05/07 - 23/08/2021): ghi nhận 114 ca mắc, trong đó có 04 ca cộng đồng, 45 ca trong khu cách ly, 18 ca nhập cảnh và 47 ca từ vùng dịch các tỉnh trở về địa phương. Không có ca tử vong.

- Giai đoạn 3 (từ 24/08 - 31/10/2021): ghi nhận 1.894 ca mắc, trong đó có 226 ca cộng đồng, 652 ca trong khu cách ly, 35 ca trong khu điều trị, 33 ca nhập cảnh, 786 ca trong các khu phong tỏa và 162 ca từ vùng dịch các tỉnh trở về địa phương. Tử vong 06 ca. Trong bối cảnh dịch lây lan nhanh, nhiều ổ dịch lớn trên cả nước thì đây cũng là giai đoạn mà Quảng Bình có số ca mắc cao nhất và có diễn biến phức tạp, ghi nhận các ca mắc ở cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố.

- Giai đoạn 4 (từ 01/11 - 28/12/2021): ghi nhận 1.706 ca mắc, trong đó có 721 ca cộng đồng, 385 ca trong khu cách ly, 72 ca trong khu điều trị, 12 ca nhập cảnh, 63 ca trong các khu phong tỏa và 453 ca từ vùng dịch các tỉnh trở về địa phương; tử vong 01 ca.

Bên cạnh dịch bệnh COVID-19, Quảng Bình là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra lũ lụt; ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp nên ngoài việc đối mặt với dịch bệnh xâm nhập, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng.... thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do bệnh dịch gây nên, UBND tnh ban hành Kế hoạch phòng chống dịch tỉnh Quảng Bình năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm 5 - 10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016 - 2020. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập vào Việt Nam.

2.2 Tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch COVID-19, thực hiện giám sát phát hiện sớm để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế tối đa chuyển nặng, tử vong.

2.3. Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng.

2.4. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

2.5. Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.

2.6. Tăng cường hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm dịch y tế.

2.7. Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến. Chủ động và đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin COVID-19 để duy trì tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt được miễn dịch cộng đồng.

2.8. Tăng cường năng lực, đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị y tế và vật tư y tế cho hệ thống y tế dự phòng các cấp theo tiêu chuẩn để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của hệ thống.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHÍNH

1. Chỉ tiêu chuyên môn

- 100% các địa phương đảm bảo xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh và các văn bản, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, biểu mẫu báo cáo được triển khai.

- 100% bệnh, dịch mới phát sinh và các ổ dịch được phát hiện sớm, xử lý và dập dịch kịp thời.

[...]