ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2672/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày
17 tháng 3 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU KHẢ THI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÔNG NGHIỆP ỨNG
DỤNG CÔNG NGHỆ CAO CỦA ISRAEL TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN
ĐẾN NĂM 2030
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả
Quyết định số 4000/QĐ-UBND ngày 28/10/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc Phê
duyệt “Đề án nghiên cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm
2030”; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án nghiên
cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với các nội
dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Triển khai thực hiện các nội dung
của Đề án phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 theo đúng tiến độ thời
gian nhằm góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết và tạo nền tảng cho sự chuyển
đổi mô hình nông nghiệp mang tính bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đem lại
hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường.
b) Triển khai thử nghiệm các giống
cây trồng mới, áp dụng công nghệ cao đồng bộ, hướng đến việc xây dựng, hình
thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, áp dụng cơ giới hóa, tự động
hóa theo các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo vệ
sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, trên cơ sở khai thác hợp lý và hiệu
quả các nguồn tài nguyên trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao của thế giới nói
chung và Israel nói riêng, góp phần nâng cao thu nhập, vị thế của người nông
dân.
c) Tận dụng, khai thác tối đa các nguồn
lực hiện có của Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai trong quá
trình thực hiện các dự án xây dựng mô hình thí điểm điển hình, nơi thực hiện
các chức năng khảo nghiệm các giống cây trồng mới, ươm trồng và phát triển các
giống cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Xây dựng Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học
tỉnh Đồng Nai trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông
nghiệp, nơi thực hiện các mô hình điển hình, mô hình trình diễn, tham quan, học
tập và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp.
2. Yêu cầu
a) Bám sát quan điểm phát triển, cụ
thể hóa mục tiêu của Đề án sát với thực tế tại địa phương và xác định rõ nội
dung nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện theo đúng lộ
trình, tiến độ, kế hoạch.
b) Xây dựng hoàn chỉnh các mô hình
cây ăn trái chủ lực phục vụ cho xuất khẩu, sản xuất theo hướng tập trung,
chuyên canh và khép kín quy trình từ khâu giống đến tiêu thụ xuất khẩu, trên cơ
sở áp dụng tối đa các công nghệ cao của Israel vào quá trình sản xuất: giống,
chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm
theo tiêu chuẩn Global GAP.
c) Bước đầu xây dựng vườn ươm nhỏ
riêng cho mỗi mô hình tại các mô hình đột phá nhóm A, làm
tiền đề hướng tới với xây dựng vườn ươm giống cây trái để khảo nghiệm giống cây
ăn trái, phát triển vườn ươm mở rộng giai đoạn sau.
II. Nhiệm vụ, giải
pháp
1. Xây dựng mô
hình thí điểm
1.1. Đối với các mô hình do Ban Quản
lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học thực hiện
a) Triển khai thực hiện xây dựng 04
mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao, mang tính đột phá (Mô hình nhóm A) áp
dụng các giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng ứng dụng nhiều
công nghệ cao của Israel từ khâu sản xuất đến sơ chế, bảo quản, tiêu thụ, định
hướng cho xuất khẩu, gồm: Bơ Hass, thanh long vỏ vàng, dứa MD2, chanh dây
- Địa điểm triển khai thực hiện: Tại
Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai.
- Quy mô: Mô hình thí điểm dự kiến có
quy mô: 4 ha/ mô hình đối với các loại Thanh Long vỏ vàng, Chanh dây; 8 ha/ mô
hình đối với Bơ hass và 5 ha/ mô hình đối với mô hình Dứa MD2.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến
năm 2022
- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực
hiện: Ban Quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai là đơn vị chủ
trì, làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng mô hình thí điểm. Các đơn vị tham
gia phối hợp triển khai thực hiện dự án gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Về nguồn vốn:
Các mô hình nhóm A thực hiện tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học
Đồng Nai do ngân sách nhà nước đầu tư.
b) Mô hình nhóm B
Triển khai thực hiện xây dựng mô hình
điểm nhóm B đối với loại cây rau trong nhà lưới.
- Địa điểm triển khai thực hiện: Tại
Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai.
- Quy mô: Diện tích thực hiện 02 ha,
trước mắt sử dụng các nhà màng, nhà lưới hiện có tại Trung tâm để thực hiện.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến
năm 2025.
- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực
hiện: Ban quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai là đơn vị chủ
trì, làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng mô hình thí điểm. Các đơn vị tham
gia phối hợp triển khai thực hiện dự án gồm: Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
1.2. Đối với các mô hình do UBND các
huyện thực hiện
Triển khai thực hiện xây dựng 09 mô
hình thí điểm tại các địa phương, gồm 01 mô hình nhóm A, 03 mô hình nhóm B, 05
mô hình nhóm C đối với các loại cây trồng, cụ thể:
a) Mô hình nhóm A: Triển khai 01 mô
hình thí điểm nhóm A đối với loại cây Chuối già Nam Mỹ.
- Địa điểm thực hiện: Tại huyện Trảng
Bom.
- Quy mô: 10 ha.
- Thời gian thực hiện: Năm 2023-2025.
- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực
hiện: UBND huyện Trảng Bom là đơn vị chủ trì, làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu
tư xây dựng mô hình thí điểm. Các đơn vị tham gia phối hợp triển khai thực hiện
gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Mô hình nhóm B, nhóm C
Triển khai thực hiện xây dựng mô hình
điểm nhóm B đối với 03 loại cây trồng, gồm: rau trồng trong nhà lưới, tiêu, bưởi da xanh và
nhóm C đối với 05 loại cây trồng gồm: Măng cụt, mít, xoài,
chôm chôm, sầu riêng.
- Địa điểm thực hiện mô hình nhóm B:
+ Mô hình trồng Rau trong nhà lưới: Dự
kiến thực hiện tại huyện Cẩm Mỹ (Địa điểm: Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai)
+ Mô hình trồng Tiêu: Dự kiến thực hiện
tại các huyện Cẩm Mỹ
+ Mô hình trồng Bưởi da xanh: Dự kiến
thực hiện tại Vĩnh Cửu
- Địa điểm thực hiện mô hình nhóm C
+ Mô hình trồng cây Măng cụt: Dự kiến
thực hiện tại Long Khánh
+ Mô hình trồng Mít: Dự kiến thực hiện
tại Long Khánh, Định Quán
+ Mô hình trồng Xoài: Dự kiến thực hiện
tại Xuân Lộc ( xoài ghép), Vĩnh Cửu ( Xoài Cát hòa lộc)
+ Mô hình trồng Sầu riêng: Dự kiến thực hiện tại Tân Phú
+ Mô hình trồng Chôm chôm: Dự kiến thực
hiện tại Long Khánh
- Quy mô: Diện tích dự kiến đầu tư
xây dựng mô hình thí điểm đối với từng loại cây trồng là 02 ha/ loại cây.
Thời gian thực hiện: Từ năm
2023-2025.
- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực
hiện: UBND các huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc,
Tân Phú và thành phố Long Khánh là đơn vị chủ trì, làm chủ đầu tư thực hiện dự
án xây dựng các mô hình thí điểm đối với các loại cây trồng dự kiến triển khai
tại địa phương. Các đơn vị tham gia phối hợp triển khai thực hiện gồm: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Về nguồn vốn:
Các mô hình nhóm B, nhóm C ngân sách nhà nước hỗ trợ một
phần kinh phí theo các chính sách hiện hành.
2. Xây dựng vườn
ươm giống cây ăn trái
- Địa điểm triển khai thực hiện: Tại
Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai.
- Nội dung: Triển khai thực hiện dự
án đầu tư xây dựng 01 vườn ươm giống cây ăn trái tại Khu Công nghệ cao công nghệ
sinh học Đồng Nai.
- Quy mô: Dự kiến diện tích thực hiện
là 5 ha, trước mắt thực hiện với quy mô 01 ha, sau đó sẽ mở rộng quy mô.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2023 đến
năm 2025
- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực
hiện: Ban quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai là đơn vị chủ
trì, làm chủ đầu tư xây dựng dự án vườn ươm giống cây ăn trái. Các đơn vị tham
gia phối hợp triển khai thực hiện dự án gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
3. Xây dựng Trung
tâm Thông tin nông nghiệp
- Nội dung: Xây dựng dự án đầu tư
Trung tâm Thông tin nông nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao công nghệ
sinh học Đồng Nai.
- Địa điểm triển khai thực hiện: Tại
Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai.
- Thời gian thực hiện: Từ năm
2024-2025.
- Đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp:
Ban quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan triển khai thực
hiện xây dựng Trung tâm Thông tin nông nghiệp
4. Đào tạo nguồn
nhân lực trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực
hiện kế hoạch mở các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về
nông nghiệp công nghệ cao theo tình hình triển khai thực tế tại địa phương; xây
dựng, cung cấp nội dung học theo từng lĩnh vực và đối tượng áp dụng cho người học;
trang bị kiến thức và đánh giá khả năng áp dụng vào thực tiễn của người học; đồng
thời đánh giá lại mức độ phù hợp của nội dung chương trình sau khi kết thúc
khóa học nhằm kịp thời điều chỉnh lại nội dung đào tạo.
- Đơn vị triển khai, đơn vị phối hợp:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban
Quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học, UBND các huyện, thành phố Long
Khánh triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực nông
nghiệp công nghệ cao.
- Kinh phí thực hiện: Sử dụng nguồn
kinh phí sự nghiệp hàng năm.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2023
-2025
5. Xây dựng phòng
thí nghiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp
- Nội dung: Xây dựng dự án đầu tư
phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp chợ đầu mối nông sản
Dầu Giây giai đoạn 2.
- Đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, UBND
huyện Thống Nhất, Ban Quản lý dự án chợ đầu mối nông sản Dầu Giây giai đoạn 2 tham mưu UBND tỉnh
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện.
- Thời gian thực hiện: Khi triển khai
thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản Dầu Giây giai đoạn 2.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Trên cơ sở Kế hoạch được UBND tỉnh
phê duyệt, hàng năm các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các nội dung xây dựng
dự toán chi tiết, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để thẩm định, trình
UBND tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
a) Là cơ quan chủ trì, phối hợp các sở,
ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ tư vấn
thực hiện Đề án; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện đề án và tổ chức triển
khai thực hiện.
b) Chủ trì, phối hợp với Tổ tư vấn,
các sở, ngành có liên quan, đơn vị tư vấn thực hiện đề xuất, lập, thẩm định
trình phê duyệt các mô hình, chương trình, dự án cụ thể thuộc Đề án phát triển
bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh theo
quy định.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ các quy định hiện hành tham mưu UBND tỉnh,
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh
tế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
d) Theo dõi, tổng hợp và đánh giá
tình kết quả triển khai thực hiện các nội dung đề án của các sở, ngành, địa
phương có liên quan.
2. Tổ tư vấn thực
hiện Đề án
Làm đầu mối, phối hợp với các sở,
ngành có liên quan tư vấn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội
dung đề án của các sở ngành. Tham mưu UBND tỉnh có văn bản tháo gỡ các khó
khăn, vướng mắc và đôn đốc các đơn vị trong quá trình thực hiện đề án.
3. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
a) Hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và các đơn vị có liên quan về trình tự, thủ tục cần thiết thực
hiện dự án đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo
đúng quy định pháp luật, đúng tiến độ đề ra.
b) Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố
trí nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025;
c) Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt
các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
4. Sở Tài chính
Tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối bố
trí nguồn vốn sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện đề án đã phê duyệt.
5. Sở Công
Thương
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan thực hiện các hoạt động xúc
tiến thương mại nông lâm thủy sản nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm
nông lâm sản và thủy sản.
b) Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn
vị có liên quan thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai và hoàn thiện các thủ tục
pháp lý khác liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp
chế biến nông sản theo quy định.
c) Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng,
UBND huyện Thống Nhất và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai
thực hiện dự án Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây giai đoạn 2.
6. Sở Tài nguyên
và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan
tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất,
cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
b) Tăng cường hoạt động kiểm tra,
giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường của các dự án theo quy định.
7. Sở Khoa học và
Công nghệ
a) Hỗ trợ cơ sở sản xuất áp dụng các
chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào trong quá trình sản xuất (HACCP,
VietGAP, ISO, GMP, SSOP, ...); kết quả thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng
khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp để nâng
cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
b) Hỗ trợ, hướng dẫn xác lập quyền sở
hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu đối với các sản phẩm thuộc đề án.
8. UBND các huyện,
thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa
a) Tuyên truyền, phổ biến nội dung đề
án và những chính sách ưu đãi của tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao
trên địa bàn đến các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, người nông dân để thực
hiện.
b) Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực
hiện các mô hình thí điểm của đề án trên địa bàn quản lý.
c) Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trong quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện đề
án, kế hoạch.
d) Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện
các nội dung của đề án, kế hoạch theo phân công, phối hợp gửi về Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để tổng hợp.
9. Ban quản lý
Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai
a) Là đơn vị chủ đầu tư thực hiện các
dự án đầu tư xây dựng 04 mô hình điển hình đột phá nhóm
A: Bơ Hass, thanh long vỏ vàng, dứa MD2, chanh dây; Vườn
ươm cây giống ăn quả; Trung tâm thông tin nông nghiệp và
một số nội dung có liên quan khác.
b) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực
hiện các dự án đầu tư đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư;
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung khác có
liên quan.
10. Các doanh
nghiệp, trang trại, hợp tác xã
Những doanh nghiệp tham gia đề án được
tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí đầu tư để cùng xây dựng,
triển khai các dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động tìm thị
trường tiêu thụ sản phẩm để làm đầu tàu xây dựng chuỗi giá trị nông sản của tỉnh.
11. Đối với các
nông hộ
Kết nối với UBND các huyện, thành phố,
các cơ quan có liên quan, doanh nghiệp để được hỗ trợ hướng dẫn thông tin về đề
án, thông tin tham gia đề án, được đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật, công nghệ,
tập huấn, bồi dưỡng về nguồn nhân lực, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ
cao, công nghệ sạch trên mảnh đất của mình, được kết nối liên kết tổ chức sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ Kế hoạch này tổ chức triển
khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn trước ngày 15/6 và 25/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện
nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc; yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương
báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo, xử lý./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, các PCVP.
UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTNS, TH-NC, KTN.(Khoa/83.KHisrael)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Phi
|