Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 259/KH-UBND năm 2016 thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh theo Quyết định 1022/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 259/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2016
Ngày có hiệu lực 11/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 259/KH-UBND

Hà Giang, ngày 11 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1022/QĐ-TTG, NGÀY 07/6/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 07/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1022/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Để các sở, ngành, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Quyết định, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt Quyết định số 1022/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn dân về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ để các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ và thống nhất. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

1.1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết TW 8 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghquyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2014 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đến năm 2020; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 21/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới; Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy (khóa XV) về xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/4/2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết TW 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Đề án số 03-ĐA/TU ngày 05/4/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án bảo đảm quốc phòng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030.

1.2. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ an ninh thông tin. Chủ động nắm chắc tình hình các khu vực, dự án quốc phòng an ninh liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng và an ninh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

1.3. Thực hiện tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về công tác xây dựng và phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.

1.4. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp và không để xảy ra điểm nóng khiếu kiện đông người; đảm bảo 100% đơn thư khiếu nại, tố cáo được xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí.

1.5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ trong hệ thống chính trị của tỉnh. Chú trọng việc tổ chức triển khai và thực thi thể chế, chính sách, sơ kết, tổng kết, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, phát hiện nhân rộng nhân tố mới nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

2. Đảm bảo phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội

2.1. Các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt “2 khâu đột phá” và “5 chương trình trọng tâm” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Sắp xếp, bố trí lại lực lượng quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; Quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế gắn với xây dựng các công trình quốc phòng, phòng thủ dân sự... cũng như xây dựng các cơ sở kinh tế vững mạnh gắn với các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần kỹ thuật và hậu phương vững chắc cho mỗi địa phương.

Kết hợp phát triển kinh tế xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, chuẩn bị kế hoạch động viên về mọi mặt trong tình trạng xảy ra chiến tranh, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế thẩm định cấp tỉnh về quốc phòng, an ninh các dự án kinh tế lớn, dự án kinh tế trên địa bàn trọng điểm, các khu vực xung yếu về quốc phòng, an ninh. Khi lập và triển khai thực hiện các dự án xây dựng các công trình trọng điểm, công trình quốc phòng phải có tính lưỡng dụng.

2.2. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ và Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới giai đoạn 2011 - 2020. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường tuần tra trên tuyến biên giới của tỉnh. Thực hiện tốt các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, thị trấn biên giới, chương trình xã phát triển toàn diện, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng xã, cụm làng xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố.

2.3. Kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn có vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh. Quy hoạch, quản lý chặt chẽ đất quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ các loại đất quốc phòng an ninh được phát triển kinh tế.

2.4. Đẩy nhanh việc thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mô hình chuỗi có sự tham gia của “bốn nhà” nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa. Đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGap đối với một số cây trồng chủ lực (như: cây cam, chè, dược liệu...). Tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án sắp xếp, ổn định dân cư biên giới Việt - Trung theo Quyết định 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các kè bảo vệ cột mốc biên giới và các dự án đường tuần tra biên giới.

2.5. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2.6. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020 đối với các huyện nghèo, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020; Tập trung thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là công tác định canh, định cư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

2.7. Triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép qua hai bên cửa khẩu.

3. Xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân

3.1. Tập trung nguồn lực để ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ biên giới, địa bàn chiến lược. Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các chương trình, đề án hiện đại hóa quân đội, công an nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia.

Nâng cao chất lượng công tác dự báo, tình báo để tránh rơi vào bị động, chủ động ứng phó với các biến động, tích cực và tiêu cực về kinh tế quốc phòng; Tăng cường, đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức huấn luyện và thực hành diễn tập khu vực phòng thủ các cấp gắn với diễn tập phòng chống phá hoại hoạt động khủng bố và bạo loạn lật đổ phù hợp với từng đối tượng và sát với thực tế ở từng địa bàn; Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại, chống đối, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

3.2. Phát huy sức mạnh của thế trận an ninh nhân dân gắn với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng các mô hình tổ chức phát triển kinh tế. Tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh quốc gia trên các địa bàn, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng điểm gắn với bảo đảm an ninh lại các địa bàn trọng yếu, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

3.3. Tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng, mua chuộc, cài cắm, móc nối vào nội bộ, chủ động phát hiện các phần txấu tung tin gây mất đoàn kết nội bộ, xuyên tạc làm giảm uy tín cán bộ lãnh đạo các cấp.

3.4. Tăng cường quan hệ phối hợp, hiệp đồng giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng.

[...]