Kế hoạch 2588/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 58/NQ-CP về chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 2588/KH-UBND
Ngày ban hành 11/07/2023
Ngày có hiệu lực 11/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Bùi Văn Quang
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2588/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 07 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 58/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG, PHỤC HỒI NHANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ.

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 58/NQ-CP); Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 58/NQ-CP và Kế hoạch này đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 61-NQ/TU của Tỉnh ủy về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.

2. Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

3. Phát huy tính chủ động, xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, công khai, minh bạch, thân thiện. Triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật trong điều kiện thực tế của tỉnh để giải quyết khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Có trên 11.000 doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GRDP của tỉnh; chiếm trên 20% tổng số lao động trong độ tuổi đang làm việc trên địa bàn tỉnh.

- Khoảng 25 - 30% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 300 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.

- 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- Trên 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp

a) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị:

- Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong thực hiện thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,…; triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xử lý các tồn tại, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; kiểm soát, tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ thanh tra các cấp, các ngành; cán bộ thực hiện thủ tục đất đai, PCCC, xây dựng, môi trường,... thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với cán bộ, CCVC có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị:

- Tiếp tục rà soát, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư, doanh nghiệp và các thủ tục pháp lý liên quan; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Chủ động theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng cam kết đầu tư, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý, thu hồi dự án mà nhà đầu tư không thực hiện đầu tư, chậm tiến độ, không tuân thủ các quy định liên quan.

- Rà soát, tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2023 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh duy trì việc tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ 02 lần/1 năm. Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Phú Thọ, các hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành, thị để rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời.

- Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội, phát huy được lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh. Phát triển đa dạng nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong các lĩnh vực, ngành nghề (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,…), trong đó hợp tác xã là nòng cốt; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn.

c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai phương án giảm tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

d) Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; theo dõi, giám sát tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp ổn định tình hình, giữ cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.

đ) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thành, thị:

- Tập trung rà soát lập, thẩm định, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn đúng quy định pháp luật và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các cấp độ quy hoạch.

- Rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn tỉnh; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.

[...]