ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
258/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 07 tháng 06 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRỒNG MỘT TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021-2025”
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Thực hiện Quyết định số
524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ
cây xanh giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 2616/KH-BNN-TCLN ngày 07/5/2021 của
Bộ Nông nghiệp và PTNT, triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của
Thủ tướng. UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Trồng
một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. QUAN ĐIỂM,
MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Quan điểm
- Nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và người
dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; phát huy được vai trò của
cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và
hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
- Phát huy truyền thống trồng
cây do Bác Hồ khởi xướng; đưa việc trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua
của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi
người dân; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh.
2. Mục tiêu
Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh
trồng được 41,2 triệu cây xanh, trong đó: 10 triệu cây xanh trồng phân tán;
31,2 triệu cây xanh trồng rừng tập trung; nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải
thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần phát triển kinh tế
xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của
đất nước.
3. Yêu cầu
- Phát triển cây xanh cần có sự
vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Thu hút mọi nguồn lực từ các
thành phần kinh tế, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để
thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần
tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường
giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà
máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử…
- Trồng cây xanh phải đi đôi với
chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để đảm bảo cây trồng, rừng trồng sinh trưởng
và phát triển tốt.
II. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Đối tượng
- Trồng cây xanh phân tán, gồm:
Cây xanh đô thị và nông thôn;
- Trồng cây tập trung trên đất
quy hoạch lâm nghiệp (trồng rừng), gồm: trồng mới rừng sản xuất là rừng gỗ lớn
và trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy, không tính diện tích trồng rừng thay
thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác.
2. Phạm vi thực hiện: Trên
địa bàn toàn tỉnh.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Trồng cây xanh phân tán (trồng cây xanh trên
đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp): Trồng 10 triệu cây (trồng 2 triệu cây/năm).
Trong đó, dự kiến:
1.1.
Khu vực đô thị, khu dân cư tập trung:
Trồng trên đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở,
trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công
cộng khác,...: Trồng khoảng 200.000 cây; bình quân trồng 40.000 cây/năm.
Lựa
chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều
kiện sinh thái gây trồng của từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Tổ chức trồng,
chăm sóc cây theo quy trình trồng cây xanh đô thị và áp dụng thâm canh cao để
cây đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, sớm phát huy tác dụng, cảnh
quan. Thực hiện thiết kế, trồng cây xanh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
9257:2012, trong đó:
i)
Thiết kế cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải phù hợp với từng loại đô thị và
tổ chức không gian đô thị. Tổ chức hệ thống cây xanh sử dụng công cộng phụ thuộc
phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên
nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng
như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.
ii)
Cây xanh đường phố phải thiết kế hợp lý để có được tác dụng trang trí, cảnh
quan đường phố, điều hòa khí hậu, không gây độc hại, nguy hiểm và không ảnh hưởng
tới các công trình hạ tầng đô thị
iii)
Cây xanh ven kênh rạch, ven sông phải có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ bờ, dòng
chảy, chống lấn chiếm mặt nước.
iv)
Thiết kế công viên, vườn hoa phải lựa chọn loại cây trồng và giải pháp thích hợp
nhằm tạo được bản sắc địa phương và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa
phương.
v)
Các loại cây trồng phải đảm bảo các yêu cầu sau: cây phải chịu được gió, bụi,
sâu bệnh; thân đẹp, dáng đẹp; có rễ ăn sâu, không có rễ nổi; cây lá xanh quanh
năm, không rụng lá trơ cành hoặc cây có giai đoạn rụng lá trơ cành vào mùa đông
nhưng dáng đẹp, màu đẹp và có tỷ lệ thấp; cây có hoa màu sắc phong phú theo 4
mùa; không có quả gây hấp dẫn ruồi muỗi; không có gai sắc nhọn, hoa quả mùi khó
chịu; có bố cục phù hợp với quy hoạch được duyệt.
1.2.
Khu vực nông thôn: Trồng trên đất vườn,
hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ đồng, nương rẫy; khu
văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất; kết hợp phòng hộ
trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán khác,…: Trồng khoảng
9.800.000 cây; bình quân trồng 1.960.000 cây/năm.
Về lựa
chọn cây trồng:
i) Lựa
chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác. ii) Ưu
tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, trồng cây đa mục đích.
2. Trồng cây xanh tập trung trên đất quy hoạch lâm nghiệp (trồng rừng): 19.500
ha, tương đương khoảng 31,2 triệu cây (bình quân mỗi năm trồng 3.900 ha rừng,
mật độ khoảng 1.600 cây/ha, tương đương 6,24 triệu cây/năm).
2.1.
Hình thức thực hiện:
- Trồng
mới rừng sản xuất với mục đích gỗ lớn, lâu năm: 18.000 ha;
- Trồng
rừng thay thế nương rẫy: 1.500 ha.
2.2.
Đối tượng đất:
- Đất
quy hoạch trồng mới rừng sản xuất;
- Đất
nương rẫy kém hiệu quả, người dân có nguyện vọng chuyển sang trồng
rừng.
2.3.
Lựa chọn loài cây trồng:
Đối với
rừng sản xuất lựa chọn các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử
dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh
và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở
những nơi có điều kiện thích hợp. Cây cho sản phẩm phụ ngoài gỗ, tạo thu
nhập.
(Có
biểu phân khai chi tiết kế hoạch theo từng huyện, Biểu 01)
IV. Kinh phí thực hiện:
Tổng
nhu cầu kinh phí thực hiện: 1.226.000 triệu đồng, trong đó:
- Trồng
cây xanh phân tán: 250.000 triệu đồng.
- Trồng
rừng tập trung: 975.000 triệu đồng.
-
Phát động lễ trồng cây hàng năm vào dịp tết nguyên đán: 400 triệu đồng
- Phổ
biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật: 600 triệu đồng
(Có
khái toán các hoạt động ưu tiên kèm theo, Biểu 02)
V. GIẢI PHÁP
1. Về đất đai
- Các
địa phương tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng
rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường
giao thông; đất có thể trồng cây xanh nông thôn …
- Đảm
bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải có chủ quản
lý cụ thể, rõ ràng. Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ
gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý và có kế hoạch
cụ thể để trồng cây hàng năm. Tổ chức giao, khoán, cho thuê diện tích đất
công, các công trình công cộng, đường xá, bờ kênh mương thuỷ lợi... cho các hộ
gia đình, cá nhân, tổ chức; trong đó ưu tiên cho các hội, đoàn thể quần
chúng đăng ký và trồng cây phân tán.
2. Về cây giống
- Căn
cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, các địa phương chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ
số lượng cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp
các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.
-
Danh mục các loài cây xanh trồng trong đô thị, tham khảo áp dụng theo Tiêu chuẩn
quốc gia TCVN 9257:2012 tại Phụ lục số 02.
- Đối
với loài cây trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán vùng nông thôn: lựa chọn
áp dụng theo danh mục các loài cây chủ lực trồng rừng sản xuất và các loài cây
chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp theo Quyết định số
4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Phối
hợp với các Viện của Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu lựa chọn giống cây trồng
rừng có năng suất cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng.
3. Về kỹ thuật
Nghiên
cứu và đưa vào sản xuất đại trà giống cây trồng theo hướng công nghệ cao;
Nghiên cứu đưa các loài cây bản địa có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao
vào sản xuất. Từng bước chuyển từ sản xuất quảng canh sang sảng xuất chuyên
canh để nâng cao năng suất và hiệu số sử dụng đất.
Đối với
trồng rừng tập trung: Nghiên cứu thử nghiệm, thực hiện các quy trình kỹ
thuật lâm sinh trong thâm canh rừng, nhằm rút ngắn chu kỳ kinh doanh; áp dụng
công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng
trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Khuyến khích sử dụng
các loài cây bản địa; trồng rừng hỗn loài, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh
và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở
những nơi nó điều kiện thích hợp.
Nghiên
cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc trồng, chăm sóc, dịch
chuyển cây xanh phân tán; bảo đảm việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển
cây xanh được an toàn, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng
cơ sở dữ liệu về trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh trồng tập trung và cây
xanh phân tán.
4. Về huy động nguồn lực
Tăng
cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai
để trồng và bảo vệ cây xanh, trong đó:
- Đối
với trồng cây phân tán huy động các nguồn vốn xã hội hóa, lồng ghép các nguồn
vốn thực hiện tại địa phương; vốn của các chủ đầu tư các công trình xây dựng
thực hiện trồng cây xanh đô thị.
- Tăng
cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và
vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh
thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của
các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế,… sử dụng để mua vật
tư, cây giống hỗ trợ cho các phong trào, dự án trồng cây phân tán.
- Kêu
gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu
tư cho bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.
- Kết
hợp thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư công của nhà nước như: Kế hoạch
phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây
dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh
được các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình chương
trình phát triển kinh tế xã hội khác,…
- Ngoài
sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống; tích cực huy động nguồn lực về
lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các
hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
5. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức
- Thường
xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai
trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi
khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.
- Tiếp
tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác
Hồ”, nâng chỉ tiêu trồng cây phân tán hàng năm cao gấp 2-3 lần so với bình
quân giai đoạn 2016-2020.
- Phổ
biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành,
chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.
- Tiếp
tục xây dựng các tài liệu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng
và trồng, chăm sóc cây xanh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Phát
động phong trào thi đua như “Ngày chủ Nhật xanh”, “Ngày chủ Nhật nông thôn mới”,
“Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng
rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.
Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi
người dân.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:
-
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch trồng cây Tết; Kế hoạch trồng rừng
hàng năm trên địa bàn tỉnh;
- Chỉ
đạo, triển khai trồng cây xanh tập trung (trồng rừng) đối với rừng sản xuất là
rừng gỗ lớn và trồng cây lâm nghiệp phân tán vùng nông thôn.
- Hướng
dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị cây giống, rà soát đất đai, xây dựng
hồ sơ trồng rừng theo quy định;
- Kiểm
tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; đầu mối tổng hợp kết quả thực
hiện, báo cáo UBND tỉnh.
2.
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng
- Chủ
trì, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, địa phương thực hiện
việc quản lý và phát triển cây xanh đô thị theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày
11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;
- Chỉ
đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy hoạch
xây dựng, trong đó bảo đảm không gian quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, diện tích
đất cho phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ
thuật quốc gia (QCVN 01:2019/BXD; TCVN 9257:2012) và các quy định hiện hành;
- Hướng
dẫn về tiêu chuẩn, loài cây trồng phân tán, cây xanh đô thị;
-
Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu về quản lý và phát triển
cây xanh đô thị để phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp số liệu chung
thực hiện Kế hoạch báo cáo UBND tỉnh.
3.
Các sở, ngành khác có liên quan:
-
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện
kế hoạch;
- Thực
hiện rà soát đất đai khu vực khuân viên, trụ sở thực hiện kế hoạch trồng cây tết
hàng năm.
4.
Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tổ
chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và các quy
hoạch ngành, lĩnh vực được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó xác định quỹ đất
trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát
triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng
cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025.
- Huy
động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện kế hoạch trồng cây phân tán tại địa
phương; kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chung tay đóng
góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng,…
- Chủ
động chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng
phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo kế hoạch,
dự án được duyệt.
- Xây
dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển cây xanh, trồng rừng trên địa
bàn. Giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây phân tán, trồng rừng hàng năm cho các địa
phương, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Tạo điều kiện để các cơ quan, tổ
chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích
cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
- Tổ
chức kiểm tra, giám sát, phân công trách nhiệm cho cơ sở, tổ chức, đoàn thể
trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.
-
Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng
mắc, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt;
đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phá hại rừng, cây xanh.
5.
Các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, hiệp hội
- Phát
huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền,
vận động thành viên tổ chức tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, quản
lý, bảo vệ cây xanh.
-
Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng về mục đích, ý nghĩa của việc trồng và bảo
vệ rừng, cây xanh; động viên, khuyến khích, kêu gọi toàn dân tham gia trồng
cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn
xã hội.
-
Vận động, hướng dẫn quần chúng, nhân dân ký các cam kết, hương ước về bảo vệ
rừng, bảo vệ cây xanh môi trường.
- Huy
động nguồn vốn trong các tổ chức, doanh nghiệp; quyên góp của các hộ gia đình,
cá nhân, cộng đồng cho phát triển cây xanh; Triển khai các hoạt động tình nguyện
tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
6.
Các cơ quan truyền thông: Tăng cường tuyên
truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng
và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp
giá trị kinh tế, xã hội.
7.
Chế độ báo cáo: Các sở, ngành có trách nhiệm
báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch theo định kỳ năm trước ngày 15/12 hàng năm;
báo cáo kết quả trồng cây tết và các báo cáo đột xuất (có yêu cầu) qua Sở Nông
nghiệp và PTNT;
Đối với
các địa phương thực hiện báo cáo định kỳ tháng, quý, năm; lồng vào nội dung Báo
cáo định kỳ lĩnh vực nông nghiệp và PTNT (theo Văn bản số 903/SNN-KH ngày
06/5/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
Trên
đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh góp phần phát triển bền
vững đất nước, giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Thủ trưởng các
sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT.Tỉnh ủy,
HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UB.MTTQ VN và các đoàn thể
tỉnh;
- CT, PCT1,2,3;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Cty CP MTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã,
thành phố;
- Đài PTTH tỉnh; Báo LC; Cổng
TTĐT tỉnh;
- CVP, PCVP3;
- Phòng: TCHC, QTTV;
- Lưu: VT, TH3, NLN1,2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Quốc Khánh
|