Kế hoạch 255/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc văn hóa giữ gìn kiến trúc truyền thống do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 255/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2023
Ngày có hiệu lực 20/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Dương Đức Tuấn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 255/KH-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 04/CT-TTG NGÀY 07/02/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN QUY HOẠCH KIẾN TRÚC NÔNG THÔN VIỆT NAM, TẠO BẢN SẮC VĂN HÓA GIỮ GÌN KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc văn hóa giữ gìn kiến trúc truyền thống; Quyết định số 1120/QĐ-BXD ngày 08/10/2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Kế hoạch triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình số 04-CTr/TU Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025"; Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thông báo số 389-TB/BCSĐ ngày 09/10/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố về ban hành Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc văn hóa giữ gìn kiến trúc truyền thống, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc văn hóa giữ gìn kiến trúc truyền thống; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025"; Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND Thành phố phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử, định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống đến các tầng lớp Nhân dân và cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp và các tổ chức khác.

- Nâng cao công tác quản lý về văn hóa kết hợp với quản lý về xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các thể chế để từng bước xây dựng kiến trúc nông thôn thành phố Hà Nội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, hướng tới hoàn thiện theo các tiêu chí đô thị đối với các khu vực ven đô, khu vực dự kiến thành lập, mở rộng phát triển đô thị.

2. Yêu cầu:

- Đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan trong việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống phù hợp với từng đặc điểm của địa phương gắn với hoạt động kinh tế xã hội (sản xuất, kinh doanh, du lịch, ....) đảm bảo phát triển bền vững, không đánh mất bản sắc.

- Xác định nội dung của Kế hoạch gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện kế hoạch.

- Xác định vai trò và mối quan hệ giữa bản sắc địa phương với kiến trúc nông thôn sẽ góp phần trong việc xây dựng kiến trúc nông thôn mới có bản sắc, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nông thôn nói chung và trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng.

- Quá trình triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố về công tác quy hoạch, kiến trúc xây dựng; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các Sở, ngành và các đơn vị liên quan; thường xuyên, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ được các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề nông thôn, các tổ chức, cá nhân, sống và làm việc trên địa bàn, đảm bảo các không gian kiến trúc truyền thống bền vững, phù hợp xu thế phát triển của thời đại.

- Huy động hoặc thuê các đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước nhằm tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn phù hợp với địa bàn quản lý, đảm bảo mục tiêu phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn Việt Nam phù hợp với Luật Kiến trúc, Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.

- Phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng, các cơ sở kinh doanh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp nông thôn sản xuất, kinh doanh, du lịch phù hợp với các hoạt động kinh tế dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, chuyên gia và đơn vị tư vấn; gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên, hỏa động tham gia sản xuất. Mô hình quản lý và khai thác phù hợp, hiệu quả.

- Tuyên truyền, quảng bá kiến trúc đặc trưng của từng địa phương đa dạng, phong phú, tiếp cận được nhiều đối tượng là khách du lịch trong và ngoài nước.

- Bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn lực từ xã hội hóa, tài trợ,... cùng tham gia. Giao cho các cơ quan, đơn vị nghiên cứu đề xuất, tổ chức các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn vốn nhà nước đảm bảo quy định.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Ủy ban nhân dân các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý.

2. Xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất, chức năng của khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại văn bản số 2307/BXD-QHKT ngày 27/6/2022 về việc hướng dẫn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025.

3. Đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực làm cơ sở hình thành các đô thị nhỏ trên địa bàn huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như điều kiện sống của người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên. Khu vực ven đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hòa hợp với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh lãng phí trong đầu tư trong xây dựng.

4. Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác.

5. Đảm bảo công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn (tập trung, phi tập trung) phù hợp với đặc thù của các địa phương.

6. Đẩy mạnh công tác lập, rà soát quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị; đến năm 2030, đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030.

7. Nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu quy hoạch bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng.

8. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch xây dựng cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch.

9. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn; cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ và hưởng ứng tham gia các chính sách, đặc biệt là việc người dân tự nguyện vay vốn để làm nhà ở; đồng thời phải kết hợp, lồng ghép các chương trình giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn vào chương trình hỗ trợ chung để đảm bảo sự hỗ trợ công bằng, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở của người dân.

10. Chủ động triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và kịp thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương nghiên cứu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh trong thời gian tới.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ