ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 254/KH-UBND
|
Bình Phước, ngày
29 tháng 7 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TUYÊN
TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 636/QĐ-BTTTT ngày 12/5/2021
của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Kế hoạch truyền thông về
phòng, chống thiên tai đến năm 2030,
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền
về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố trong
việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của các cơ quan, đơn vị,
chính quyền các cấp và người dân.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng
dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.
- Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro
thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai của toàn dân.
- Tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu
quả thiên tai bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng, phù hợp với
điều kiện cụ thể của từng địa phương.
2. Yêu cầu
- Việc tuyên truyền phải được thực hiện nghiêm túc,
thường xuyên, liên tục, sâu rộng, có trọng tâm, hiệu quả; nhất là trong thời điểm
mùa mưa bão, tránh hình thức.
- Các đơn vị triển khai tuyên truyền bám sát Kế hoạch
này và có hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa phương, đơn vị để công
tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất.
II. NỘI DUNG THÔNG TIN, HÌNH THỨC
TUYÊN TRUYỀN
1. Nội dung thông tin
- Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó,
khắc phục hậu quả thiên tai. Chú trọng tuyên truyền về tác hại thiên tai, các
trọng điểm nguy cơ xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận
thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng, phổ biến
các kỹ năng, kiến thức kinh nghiệm về những biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ
thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là hướng dẫn nhân dân kỹ năng
phòng tránh các thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh như nắng nóng,
hạn hán, mưa lớn, lũ, lụt, lốc xoáy, giông sét, sạt lở, ...
- Thường xuyên cập nhật, phổ biến những thông tin mới
nhất để cảnh báo đến người dân. Vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng
phòng, chống cho gia đình và tham gia công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
của cộng đồng, địa phương.
- Thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện
phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: đảm bảo
an toàn cho hệ thống hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, suối, khu vực trọng yếu,
di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở ...
- Thông tin việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn
lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Thông tin việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong
quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; hệ thống dự báo khí tượng thủy
văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại.
- Thông tin kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, cơ
quan chuyên môn nước ngoài trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả
thiên tai.
2. Hình thức tuyên truyền
- Các cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng các phóng sự,
tin bài để tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả
thiên tai theo nội dung tại mục 1, phần II Kế hoạch này.
- Xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật
về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên Cổng/trang thông tin
điện tử, mạng xã hội.
- Tuyên truyền trên hệ thống cơ sở truyền thanh -
truyền hình cấp huyện, hệ thống đài truyền thanh cấp xã; thông tin trên các bảng
tin, nơi tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân; các tài
liệu tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
đặt tại các tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện - văn hóa
xã; xây dựng nội dung thông tin, in ấn tờ rời, tờ gấp cung cấp cho tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền
lưu động; tuyên truyền, vận động thông qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên ở
cơ sở.
- Truyền thông thông qua các hội nghị, hội thảo, cuộc
thi, tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, tập huấn
chuyên đề về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách, các đơn
vị được giao nhiệm vụ cân đối, lồng ghép trong nhiệm vụ chuyên môn được giao hằng
năm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, Cổng/trang
thông tin điện tử, các đơn vị hoạt động bản tin, hệ thống truyền thanh cơ sở
trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu
quả thiên tai - chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông
tin liên lạc, đảm bảo công tác tuyên truyền thông suốt, kịp thời, hiệu quả; triển
khai các chiến dịch nhắn tin cảnh báo đến người dân chịu ảnh hưởng của thiên
tai.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương
ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền để kịp thời chuyển tải
thông tin tới từng người dân, giúp người dân chủ động chuẩn bị, phòng tránh, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn
lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc
phục hậu quả thiên tai trong hoạt động tuyên truyền tại cơ sở.
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
cùng các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp nội dung, thông tin về tình hình
triển khai và kết quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và cung cấp thông tin
cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở của các địa phương tuyên truyền
công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Thường xuyên cập nhật thông tin phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai lên Fanpage thông tin phòng chống thiên tai tỉnh
(https://www.facebook.com/phongchongthientaibp).
- Tổng hợp, báo cáo kết quả Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ
Thông tin và Truyền thông trước ngày 05/12 hằng năm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng
các nội dung tuyên truyền, cung cấp tài liệu tuyên truyền về phòng, chống thiên
tai, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó với các loại
hình thiên tai thường hay xảy ra trên địa bàn tỉnh để Nhân dân biết, chủ động
phòng ngừa, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.
- Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai phục
vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai hiệu quả và công tác tuyên truyền được kịp
thời, chính xác.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi, tập huấn
tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, tập huấn chuyên đề về
công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt
động tuyên truyền, phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin điện tử.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra
công tác tuyên truyền tại cơ sở.
3. Sở Tài chính: Căn cứ
vào nguồn kinh phí bố trí trong dự toán giao hằng năm, thực hiện thẩm định, quyết
toán theo quy định.
4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể
tỉnh
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp
kịp thời các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó,
khắc phục hậu quả thiên tai cho các cơ quan báo chí.
- Lồng ghép nội dung về công tác phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong các hoạt động tuyên truyền tại đơn vị.
5. Đài Phát thanh - Truyền hình
và Báo Bình Phước
- Xây dựng các phóng sự, tin bài tuyên truyền về
phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh, bố trí tin
bài, thời lượng phát sóng phù hợp.
- Thông tin chính xác, kịp thời về diễn biến thời
tiết, thiên tai, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về dự báo, cảnh báo, tình
hình phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nêu gương điển hình, những
kinh nghiệm, sáng kiến, cách khắc phục hiệu quả, thiết thực phục vụ công tác
phòng, chống thiên tai, phê phán những hành động của các tổ chức, cá nhân chưa
nghiêm túc trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai trên địa bàn.
6. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Hằng năm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí
từ ngân sách triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên
tai trên địa bàn theo thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương,
đơn vị.
- Cập nhật thông tin, tình hình diễn biến và các
văn bản chỉ đạo tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên
tai và biến đổi khí hậu.
- Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền
thanh - Truyền hình tuyên truyền thường xuyên về công tác phòng ngừa, ứng phó,
khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn bằng các hình thức phù hợp trên các
phương tiện truyền thông đại chúng.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị có liên quan căn cứ nhiệm vụ được
phân công triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả triển
khai về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trước ngày 25/11 hằng năm.
(Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 314/KH-UBND
ngày 17/12/2020 của UBND tỉnh về tuyên truyền phòng, chống thiên tai - Chủ động
thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2021-2025)./.
Nơi nhận:
- Bộ TT&TT;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban TGTU;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Các cơ quan báo chí của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, các Phòng;
- Lưu: VT, KGVX, TD19.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Tuyết Minh
|