Kế hoạch 2532/KH-UBND năm 2019 về triển khai Nghị quyết 09/NQ-CP thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 2532/KH-UBND
Ngày ban hành 30/09/2019
Ngày có hiệu lực 30/09/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2532/KH-UBND

Kon Tum, ngày 30 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 09/NQ-CP NGÀY 03 THÁNG 02 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT THẢI RẮN.

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019, đảm bảo sự quản lý thống nhất, xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn từ trung ương đến địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ THỰC TRẠNG CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo số liệu thống kê năm 2018, khối lượng chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 212 tấn/ngày (tính toán dựa trên khối lượng CTR phát sinh bình quân trên đầu người và dân số năm 2018). Trong đó, 92 tấn CTR sinh hoạt đô thị và 120 CTR sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ thu gom rác trên địa bàn tỉnh có sự khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 75% (tương đương với 69 tấn/ngày) và khu vực nông thôn 55% (tương đương với 60 tấn/ngày). Tại một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Tổng khối lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh 92,218 tấn/năm, khối lượng chất thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng 50,05 tấn của 60 cơ sở, các đơn vị đã hợp đồng với tổ chức có chức năng ngoài tỉnh để chuyển giao xử lý.

Trên địa bàn tỉnh có 09/10 huyện, thành phố có bãi xử lý CTR tập trung (riêng huyện Ia H’Drai chưa có bãi rác). Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 05 dự án đã và đang đầu tư xây dựng khu thu gom và chứa rác tập trung gồm: Nhà máy xử lý rác thải thành phố Kon Tum, bãi rác huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Hà; công nghệ xử lý bằng hình thức chôn lấp; riêng Nhà máy xử lý rác thải của thành phố Kon Tum và của huyện Đăk Hà xử lý bằng phương pháp tái chế, làm phân vi sinh và chôn lấp. Các bãi rác còn lại tại các huyện, rác thải được xử lý chủ yếu là tập trung rác, đốt thủ công hoặc tự phân hủy, không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có đơn vị thu gom, xử lý CTNH (trừ các cơ sở y tế).

Theo quy hoạch tổng thể, trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ có 13 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, CTR công nghiệp không nguy hại, gồm: 02 khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi; 05 khu xử lý chất thải rắn liên đô thị tại huyện Đăk Glei, huyện Đăk Hà, huyện Kon Plông, huyện Tu Mơ Rông và huyện Kon Rẫy; 06 khu xử lý chất thải rắn cho từng đô thị gồm: huyện Sa Thầy (02 khu), huyện Đăk Tô, huyện Kon Plông, huyện Ia H’Drai và huyện Đăk Glei.

Nhìn chung, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; còn khó khăn về giá thu gom và dịch vụ thu gom đối với các vùng sâu, vùng xa thuộc các khu vực nông thôn,... nên lượng rác thải trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom, xử lý triệt để và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, NGUỒN LỰC VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019, đảm bảo sự quản lý thống nhất, xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn từ trung ương đến địa phương.

- Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là đối với CTR sinh hoạt, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018, Kế hoạch số 579/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về thực hiện Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Nhiệm vụ

2.1. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý CTR của Trung ương và địa phương đã ban hành để đề xuất sửa đổi theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý chất thải rắn nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

2.2. Rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước của địa phương, bao gồm công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý của địa phương so với lượng chất thải phát sinh; tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm công việc giữa các cơ quan chuyên môn; việc xây dựng và ban hành các quy định về quản lý CTR sinh hoạt, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải... đảm bảo phù hợp, sát với thực tế.

2.3. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác quản lý nhà nước về CTR gắn các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch số 579/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kon Tum lồng ghép vào chương trình hành động, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

2.4. Tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải. Tập trung xử lý chất thải độc hại, chất thải y tế. có chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nhất là CTNH.

2.5. Nâng cao năng lực thẩm định các dự án đầu tư về xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện Kế hoạch, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng.

2.6. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn cấp địa phương để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn tỉnh (xây dựng phần mềm và đào tạo, tập huấn về công tác thu thập số liệu, báo cáo).

3. Nguồn lực và kinh phí thực hiện

3.1. Nguồn lực thực hiện

- Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý môi trường hiện có ở các cấp, các ngành đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTR nói riêng.

- Tăng cường khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư thực hiện các dự án liên quan đến thu gom, vận chuyển, xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt; các hoạt động tái sử dụng, tái chế và sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế, vay tín dụng ưu đãi....

- Tăng cường sự tham gia của các kênh truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, phát huy hiệu quả của đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt, các phương tiện truyền thông; các đơn vị, địa phương quan tâm phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền tổ chức thực hiện phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đúng quy định.

- Phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, quản lý chất thải, các chương trình khoa học công nghệ và các chương trình, dự án, hoạt động có liên quan khác nhằm thu hút thêm nguồn đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

- Tranh thủ tối đa nguồn tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế cần được thực hiện ở nhiều lĩnh vực như: hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại cho xây dựng dự án, nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế, hỗ trợ theo dự án, giải quyết các vấn đề sức khỏe và phúc lợi xã hội cho các đối tượng liên quan.

3.2. Kinh phí thực hiện

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; huy động các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

[...]