Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 25/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn năm 2020 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 25/KH-UBND
Ngày ban hành 07/02/2020
Ngày có hiệu lực 07/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020

Căn cứ Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017;

Thực hiện các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 và số 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản;

Thực hiện văn bản số 7362/BNN-TY ngày 3/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh, triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh Quốc gia năm 2020;

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản hạn chế thiệt hại cho người nuôi, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn Thành phố năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản để nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững nuôi trồng thủy sản của Thành phố.

- Phát hiện sớm và xử lý nhanh gọn, kịp thời các dịch bệnh thủy sản, để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

- Nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong việc bảo vệ nguồn lợi và công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

2. Yêu cầu

- Công tác phòng, chống dịch phải thực hiện đồng bộ, nhanh gọn, triệt để, có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị các cấp và của cả cộng đồng; phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời và hiệu quả.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản của các cấp, các ngành và người nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

- Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ và người nuôi trồng thủy sản về công tác thú y thủy sản, nhất là năng lực, kỹ năng tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tăng cường và củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh thủy sản từ cấp Thành phố đến cấp xã.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác tập huấn, tuyên truyền

- Đa dạng hình thức thông tin tuyên truyền các quy định của pháp luật về nuôi, phòng, chống dịch bệnh; trang bị kiến thức pháp luật về thú y thủy sản và chuyên môn kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân nuôi, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng bệnh để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững và hiệu quả kinh tế cao. Công tác thông tin tuyên truyền phải linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả.

- Tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ, các quy định của pháp luật về thú y thủy sản cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản để quản lý dịch bệnh an toàn, hiệu quả.

- Vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thủy sản thực hiện cam kết: không dấu dịch bệnh; không vứt xác thủy sản chết ra môi trường; không xả thải nước từ ao nuôi bị bệnh ra môi trường; sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học, cải tạo môi trường nuôi theo quy định.

2. Giám sát dịch bệnh thủy sản

Thực hiện theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

a) Giám sát bị động

- Cán bộ chuyên môn, các trạm Thủy sản của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát dịch bệnh thủy sản đến các ao nuôi để phát hiện và báo cáo kịp thời thủy sản bị bệnh hoặc nghi mắc bệnh.

Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường; đồng thời thực hiện báo cáo theo quy định và hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây khống chế kịp thời; huy động hóa chất, vật tư khử trùng triệt để các khu vực xảy ra dịch bệnh.

b) Giám sát chủ động

- Công tác giám sát thực hiện chủ yếu với cá giống và cá thương phẩm đang là các đối tượng nuôi chính trên địa bàn Thành phố (cá chép, cá trắm cỏ, rô phi, ...).

[...]