Kế hoạch 2485/KH-ĐA thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên năm 2013 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 2485/KH-ĐA
Ngày ban hành 01/04/2013
Ngày có hiệu lực 01/04/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Thúy Hiền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ TƯ PHÁP
BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2485/KH-ĐA

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NHẰM NÂNG CAO Ý THỨC PHÁP LUẬT CHO THANH THIẾU NIÊN NĂM 2013

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục tổ chức thực hiện sâu rộng, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án, gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn nhằm thông tin, phổ biến kịp thời, thường xuyên chính sách, pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên theo các mục tiêu của Đề án.

2. Yêu cầu

- Các nhiệm vụ Đề án cần rõ ràng, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp đã xác định theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg và Kế hoạch thực hiện Đề án theo giai đoạn đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

- Triển khai Đề án nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có, phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham gia thực hiện Đề án.

II. CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN Ở TRUNG ƯƠNG

1. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai Đề án và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Đề án năm 2013

- Xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án, triển khai hoạt động chỉ đạo điểm năm 2013 và đánh giá sơ kết 02 năm thực hiện Đề án.

- Xây dựng các tài liệu, báo cáo kết quả Đề án năm 2013, sơ kết 02 năm thực hiện Đề án.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án.

- Tổ chức các cuộc họp Thường trực, Ban chỉ đạo, Tổ thư ký nhằm trao đổi, thống nhất, lấy ý kiến, thông qua các biện pháp thực hiện Đề án và đánh giá kết quả của Đề án ở Trung ương và địa phương.

2. Nghiên cứu, triển khai thí điểm việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL trong chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn

- Nghiên cứu, xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL để đưa vào chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn theo định kỳ tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

- Triển khai thí điểm trong chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

3. Xây dựng, thực hiện các chuyên mục, chương trình, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm PBGDPL cho thanh thiếu niên, giáo dục và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giáo dục thanh thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật

- Xây dựng, thực hiện các chương trình, chuyên mục PBGDPL trên kênh truyền hình, truyền thông của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

- Xây dựng, thực hiện PBGDPL trên chuyên trang, chuyên mục pháp luật của các Báo chuyên ngành ở Trung ương, trong đó tập trung vào các báo Báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật và Xã hội...

- Xây dựng, thực hiện chuyên mục hỏi đáp, câu chuyện pháp luật trên trang tin PBGDPL thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp và các trang tin điện tử của các bộ, ngành, đoàn thể.

4. Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật lồng ghép văn hóa, văn nghệ, diễn tiểu phẩm pháp luật cho cán bộ đoàn viên thanh niên tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn chỉ đạo điểm thực hiện Đề án

Tại mỗi tỉnh, thành phố chọn chỉ đạo điểm thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tổ chức 01 Cuộc thi về pháp luật dành cho thanh thiếu niên, cán bộ đoàn viên thanh niên dưới hình thức thi đố pháp luật và thuyết trình hoặc thi hái hoa dân chủ về chủ đề pháp luật, lồng ghép với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, diễn tiểu phẩm pháp luật.

5. Thực hiện PBGDPL cho thanh thiếu niên thông qua một số mô hình phù hợp với thanh niên ở cơ sở

- Tổ chức các đợt giới thiệu, nói chuyện pháp luật cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trong trại giam, trường giáo dưỡng nhằm giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, góp phần thực hiện tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả.

- Thực hiện PBGDPL cho thanh thiếu niên thông qua hoạt động thanh niên tình nguyện, lồng ghép PBGDPL với các diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi… của thanh niên ở cơ sở.

- Thực hiện PBGDPL cho thanh thiếu niên thông qua sinh hoạt của các mô hình: Câu lạc bộ, Thắp sáng niềm tin, Thanh niên vượt khó làm giàu; lồng ghép với triển khai các mô hình hay theo sáng kiến của các bộ, ngành, địa phương để thanh thiếu niên được tiếp cận, thông tin về pháp luật, được giáo dục ý thức pháp luật kịp thời, thường xuyên.

6. Biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật cho thanh thiếu niên, tài liệu chuyên đề, hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ Đoàn và cán bộ tham gia công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên

[...]