Chỉ thị 45/2007/CT-BGDĐT về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 45/2007/CT-BGDĐT
Ngày ban hành 17/08/2007
Ngày có hiệu lực 16/09/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*********

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 45/2007/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); trong thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này trong toàn ngành. Qua đó, ý thức pháp luật của cán bộ, nhà giáo, người lao động, người học từng bước được nâng lên góp phần quan trọng vào việc ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, công tác PBGDPL của  ngành vẫn còn không ít hạn chế, thể hiện ở nhận thức của một số đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này chưa đúng mức; chương trình , nội dung PBGDPL còn dàn trải, nặng về lý thuyết và chưa thống nhất ở các trường đại học, cao đẳng không chuyên luật; hình thức và phương pháp PBGDPL chậm được đổi mới; hoạt động PBGDPL ngoại khoá còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn; đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác PBGDPL còn thiếu về số lượng, năng lực của một số cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu mới; kinh phí, tài liệu, trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL còn nhiều khó khăn; cơ chế phối hợp các lực lượng làm công tác PBGDPL cho học sinh, sinh viên chưa thực sự có hiệu quả.

Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, toàn ngành giáo dục cần tăng cường công tác PBGDPL, đưa công tác này lên một tầm cao mới đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị:

1. Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW, các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong toàn ngành. Cần xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn ngành đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của  lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục các cấp. Mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động, người học trong ngành phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết  pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của mình. Cần kết hợp công tác PBGDPL với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, các chương trình, kế hoạch hành động của ngành giáo dục trong từng thời kỳ.

2. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cần lựa chọn một cách hợp lý, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả thiết thực đối với từng đối tượng.

a) Đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành: Cần tập trung vào các nội dung cơ bản như pháp luật về giáo dục; về phòng chống tham nhũng; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về cán bộ công chức; về lao động; về cải cách hành chính; về thực hiện dân chủ ở cơ sở; về hội nhập quốc tế và các quy định liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của từng đối tượng;

b) Đối với người học: Cần tập trung vào các nội dung cơ bản như quyền và nghĩa vụ của công dân; lý luận cơ bản về pháp luật phục vụ cho việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật. Trong những năm trước mắt cần tập trung PBGDPL về an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, bảo vệ môi trường, quy chế thi cử và các quy định cụ thể liên quan đến cuộc sống và học tập phù hợp từng cấp học và trình độ đào tạo.

3. Hình thức, phương pháp

a) Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các kiến thức pháp luật trong các chương trình chính khóa.

- Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông: rà soát, xây dựng, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng và tình hình cụ thể. Đổi mới phương pháp dạy và học pháp luật theo hướng tăng thực hành, phát huy tính tích cực của người học;

- Đối với giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: xây dựng, hoàn thiện chương trình môn học để đưa các kiến thức pháp luật cơ bản, đại cương vào nội dung chương trình của tất cả các ngành đào tạo. Nghiên cứu đưa nội dung pháp luật phù hợp vào giảng dạy ở các ngành không chuyên luật. Nâng cao chất lượng đào tạo ngành luật, trong đó chú ý các nội dung pháp luật quốc tế;

- Đối với giáo dục thường xuyên: nghiên cứu đưa các nội dung pháp luật cơ bản, tinh giản, thiết thực và phù hợp với các đối tượng ở các cơ sở giáo dục thường xuyên.

b) Đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa: lồng ghép nội dung PBGDPL vào nội dung các hoạt động ngoài giờ lên lớp; cung cấp các tài liệu PBGDPL và xây dựng tủ sách pháp luật; tổ chức báo cáo chuyên đề về pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các đợt sinh hoạt chính trị… Hoạt động PBGDPL ngoại khóa phải được thực hiện trên cơ sở các kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề bảo đảm tính hệ thống và hiệu quả.

c) Tăng cường việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng trong ngành. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giáo dục cho cán bộ, nhân dân.

4. Tập trung đầu tư các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Về giáo viên, giảng viên: Bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân ở giáo dục phổ thông, giáo viên môn pháp luật ở trung cấp chuyên nghiệp; giảng viên pháp luật ở đại học, cao đẳng. Xây dựng chính sách để đào tạo bổ sung, bồi dưỡng chuẩn hóa và có chế độ đãi ngộ phù hợp với đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân.

b) Về cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/2004/CT-BGD&ĐT ngày 21 tháng 02 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của ngành giáo dục. Tất cả các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phải cử cán bộ pháp chế chuyên trách thực hiện công tác pháp chế, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là giúp thủ trưởng đơn vị tổ chức công tác PBGDPL. Xây dựng chương trình và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế chưa qua đào tạo chuyên ngành luật. Xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ Bộ đến các cơ sở giáo dục.

c) Về tài liệu, thiết bị, kinh phí

Xây dựng danh mục thiết bị, danh mục tài liệu cơ bản phục vụ công tác PBGDPL nhằm định hướng cho việc biên soạn, phát hành trong một số năm tới. Tăng cường biên soạn, phát hành tài liệu PBGDPL phổ thông; tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập các kiến thức pháp luật; tài liệu hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật theo hướng cụ thể, thiết thực. Có cơ chế giảm giá, cấp không thu tiền một số tài liệu pháp luật thiết yếu đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Xây dựng cơ chế bố trí ngân sách giành riêng cho công tác PBGDPL. Tăng cường việc huy động kinh phí từ các dự án, chương trình mục tiêu và các nguồn kinh phí khác phục vụ cho công tác PBGDPL. Các dự án, đề án của Bộ cần bổ sung cấu phần giành cho việc xây dựng thể chế và tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

d) Về thể chế: Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng và thực hiện đề án tăng cường công tác PBGDPL trong nhà trường. Tiếp tục duy trì việc xây dựng kế hoạch PBGDPL hằng năm để chỉ đạo toàn ngành. Xây dựng, ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tư pháp về việc phối hợp PBGDPL trong nhà trường. Ban hành quy định về việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật định kỳ cho cán bộ, nhà giáo.

5. Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng và đơn vị trực thuộc Bộ: Tiếp tục hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách cho công tác PBGDPL nói chung và tăng cường đội ngũ giảng viên môn pháp luật, giáo viên môn giáo dục công dân trong ngành giáo dục nói riêng. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao trình độ và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác PBGDPL. Biên soạn các tài liệu chung phục vụ công tác PBGDPL. Xây dựng và triển khai các đề án thuộc Chương trình công tác giai đoạn 2006-2010 ban hành kèm theo Quyết định số 5836/QĐ-BGD&ĐT ngày 17/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Các sở giáo dục và đào tạo: Tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể chủ động tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về việc bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các văn bản liên quan. Khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL trong năm 2007. Xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL hằng năm và theo chuyên đề để tổ chức công tác PBGDPL một cách thường xuyên và có hệ thống. Bố trí kinh phí hợp lý cho công tác PBGDPL. Tổ chức sơ kết, tổng kết hằng năm và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

7. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng: Tiếp tục bổ sung môn học pháp luật đại cương vào chương trình giáo dục đại học của tất cả các ngành học. Các trường sư phạm và khoa sư phạm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giảng dạy môn học giáo dục công dân ở trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các trường trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, giáo trình, bài giảng kết hợp với đổi mới phương pháp dạy học môn pháp luật. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.

8. Website Bộ, Báo Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Thế giới mới, các cơ quan thông tin đại chúng khác trong ngành mở chuyên mục PBGDPL và tăng dung lượng các thông tin PBGDPL trực tiếp.

9. Vụ Pháp chế có trách nhiệm làm đầu mối triển khai công tác PBGDPL trong ngành. Chủ động trong việc xây dựng đề cương, hướng dẫn phổ biến các văn bản Luật, pháp lệnh; phối hợp với các đơn vị chủ trì soạn thảo phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục và các đơn vị liên quan bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong ngành giáo dục. Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan xây dựng hệ cơ sở dữ liệu pháp luật về giáo dục trên Website của Bộ.

[...]