Kế hoạch 2454/KH-UBND năm 2023 duy trì và nhân rộng mô hình hiệu quả của dự án phát triển trẻ thơ toàn diện cho giai đoạn 2023-2026 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 2454/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2023
Ngày có hiệu lực 13/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Hữu Quế
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2454/KH-UBND

Gia Lai, ngày 13 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

DUY TRÌ VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN PHÁT TRIỂN TRẺ THƠ TOÀN DIỆN CHO GIAI ĐOẠN 2023-2026

Căn cứ Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2022 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Văn kiện Dự án Bạn hữu trẻ thơ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2026 do Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) viện trợ không hoàn lại;

Căn cứ Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2022-2023 của Dự án Bạn hữu trẻ thơ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2026;

Căn cứ Báo cáo tổng kết mô hình dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017-2021 đã đánh giá những kết quả, những thành công chính, những mô hình can thiệp hiệu quả, những khó khăn, thách thức và một số khuyến nghị sau khi dự án kết thúc; trong đó có khuyến nghị cần được duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả của dự án đến các xã trong toàn tỉnh;

Dự án Bạn hữu trẻ em giai đoạn 2022-2026 do UNICEF tiếp tục tài trợ cho tỉnh Gia Lai; để thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực và duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả của dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017-2021; theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 175/TTr-SKHĐT ngày 17/8/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình hiệu quả của dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện cho giai đoạn 2023-2026 với các nội dung sau:

I. Đánh giá kết quả đạt được của dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017-2021

Qua 04 năm triển khai thực hiện dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận so với mục tiêu đề ra, đặc biệt có các hoạt động và mô hình hiệu quả:

- Công tác truyền thông trên các chuyên mục, tin bài về PTTTTD phát trên sóng truyền hình Đài tỉnh và Báo Gia Lai đã giúp cho mọi người có thông tin, hiểu biết về dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện. Tại các xã dự án, đã thực hiện 722 buổi phát thanh qua hệ thống loa của xã đến các thôn/buôn/làng các tin bài truyền thông về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, thực hành tương tác sớm cho trẻ và phòng chống dịch COVID-19.

- Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực cho các cán bộ và các đối tượng đích của dự án về phát triển trẻ thơ toàn diện trong các hợp phần Hợp phần Bảo vệ trẻ em1; Hợp phần Giáo dục2; Hợp phần y tế3; Hợp phần Chính sách xã hội4.

- Các dịch vụ, mô hình hiệu quả của dự án được đánh giá cao: (i) Hệ thống Ban Bảo vệ trẻ em các cấp duy trì vận hành; (ii) Câu lạc bộ PTTTTD; (iii) Chương trình làm cha mẹ “Không ai hoàn hảo”; (iv) Mô hình nổi bật của Hợp phần giáo dục gồm: Thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng; Bộ công cụ quan sát, đánh giá chất lượng các chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non (từ khi sinh đến 72 tháng tuổi); Chương trình “Lớn lên cùng âm nhạc”; (v) Mô hình và các can thiệp của Hợp phần y tế tập trung các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ; quản lý điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (IMAM).

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự án PTTTTD cũng gặp những khó khăn:

- Dự án PTTTTD giai đoạn 2017-2021 nhưng thực tế bắt đầu triển khai từ năm 2018; đến cuối năm 2019 bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, UNICEF và Việt Nam tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, do vậy việc tổ chức các hoạt động của dự án bị chậm lại; so với mục tiêu còn một số nội dung chưa thực hiện được.

- 9 xã dự án đều là xã nghèo, nằm ở vùng sâu vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đa số, nên điều kiện để duy trì các mô hình hiệu quả của dự án PTTTTD sau khi dự án kết thúc là rất khó thực hiện; hiện tại tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao hơn so với mức bình quân của toàn tỉnh.

- Một số mô hình của dự án được thực hiện rất hiệu quả, song việc vận động các nguồn lực để nhân rộng các mô hình đến các địa phương khác trong huyện khó thực hiện như: Câu lạc bộ PTTTTD, Làm cha mẹ “Không ai hoàn hảo”, …. Với lý do, các huyện còn nghèo, nguồn chi của ngân sách địa phương chủ yếu do cấp trên cấp bổ sung, do vậy nguồn lực để đầu tư duy trì, nhân rộng các mô hình đến các xã ngoài dự án là rất khó khăn.

- Khuôn khổ của dự án do UNICEF tài trợ chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho 9 xã/220 xã, chiếm 4% số xã và 1,5% trẻ em từ 0-8 tuổi trên toàn tỉnh được hưởng lợi. Tỷ trọng này quá ít so với một tỉnh có 44 dân tộc và trên 46,2% dân số là các dân tộc thiểu số. Do vậy, để trẻ em toàn tỉnh nói chung và trẻ em vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và phát triển toàn diện là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các cấp, sự lồng ghép từ các chương trình, dự án, các nguồn kinh phí hợp pháp từ trung ương đến địa phương mới có đủ điều kiện để thực hiện.

- Trong giai đoạn 2017-2021, UNICEF Việt Nam đã hợp tác với tỉnh Gia Lai triển khai Chương trình Phát triển Trẻ thơ Toàn diện, mỗi tỉnh 9 xã của 3 huyện (tổng là 27 xã được can thiệp). Đánh giá cuối kỳ của chương trình phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) cho thấy khả năng nhân rộng và cam kết của chính quyền địa phương với chương trình để duy trì và nhân rộng các mô hình đã can thiệp hiệu quả này trong giai đoạn tiếp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

II. Mục đích, yêu cầu Kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình hiệu quả của dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện cho giai đoạn 2023-2026

1. Mục đích

- Phát huy hiệu quả các mô hình, các can thiệp của dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017-2021 để nhân rộng ra các xã trên toàn tỉnh cho giai đoạn 2023-2026, giúp trẻ em toàn tỉnh, đặc biệt là trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chăm sóc, giáo dục bảo vệ từ khi còn trong bụng mẹ đến 8 tuổi, để trẻ được phát triển toàn diện.

- Xác định chi phí, lộ trình nhân rộng và các nguồn lực để các địa phương trong tỉnh lồng ghép, bố trí, huy động nhằm duy trì, nhân rộng bền vững các can thiệp ra toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch duy trì và nhân rộng các can thiệp có hiệu quả của dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện lấy trẻ em từ 0-8 tuổi làm trung tâm, làm mục tiêu chính để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Để thực hiện Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng kế hoạch chi phí hợp lý và bố trí n gân sách địa phương hàng năm; hoặc lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia của từng giai đoạn; hoặc vận động sự tham gia của cộng đồng cùng với các nguồn tài chính hợp pháp khác để duy trì và nhân rộng các can thiệp PTTTTD hiệu quả trên toàn tỉnh.

III. Nội dung Kế hoạch duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả của dự án giai đoạn 2023-2026

1. Mô hình về y tế và dinh dưỡng

1.1. Mô hình quản lý điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em (IMAM)

[...]