Kế hoạch 2442/KH-UBND năm 2016 triển khai Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu | 2442/KH-UBND |
Ngày ban hành | 10/10/2016 |
Ngày có hiệu lực | 10/10/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kon Tum |
Người ký | Nguyễn Hữu Hải |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2242/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 10 tháng 10 năm 2016 |
Căn cứ Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế;
Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tại Công văn số 269/KTU-TH ngày 22/9/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Đề án), cụ thể như sau:
1. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh theo đúng quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Đề án; cụ thể hoá các nội dung, nhiệm vụ thực hiện Đề án phù hợp với thực tiễn địa phương, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
2. Tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án.
3. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
4. Đảm bảo các nguyên tắc thực hiện Đề án: Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế được gắn liền với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tôn trọng nguyên tắc thị trường, bình đẳng, thuận lợi, tạo cơ hội cho cả phía tổ chức cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Nhà nước tạo lập khuôn khổ hành lang pháp lý thông thoáng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng thiết kế và phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Khuyến khích sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa và phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp. Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đi đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng sử dụng dịch vụ.
1. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.
2. Phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu sau: Khoảng 60% - 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; khoảng 30% - 35% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; có từ 40 - 50 Chi nhánh, Phòng giao dịch của ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn, trong đó tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%; có từ 70 - 80 máy ATM và 300 - 350 máy POS được lắp đặt; khoảng 50% - 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng; tăng gấp 02 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.
Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh
- Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 1272/KH-UBND ngày 10/6/2016 của UBND tỉnh về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động số 1828/CTr-UBND ngày 08/8/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
- Triển khai Đề án phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đến năm 2020, thành lập mới các QTDND đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, ưu tiên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, gắn với việc phục vụ phát triển các ngành, nghề truyền thống.
- Triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, phát triển các hình thức thanh toán hiện đại, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD) phù hợp, khuyến khích các TCTD thành lập chi nhánh, phòng giao dịch tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, phù hợp với nhu cầu kinh tế địa phương và định hướng kinh doanh của TCTD.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm môi trường thông thoáng để các TCTD thuận lợi trong việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính cung ứng cho nền kinh tế, đồng thời kiểm soát được rủi ro cho toàn hệ thống TCTD. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các TCTD nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về ngành ngân hàng, nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các tầng lớp nhân dân, quảng bá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.
2. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn
- Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 - 2020, tăng cường năng lực tài chính, đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng hiện đại, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
- Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thủ tục đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư ở nông thôn, hỗ trợ tích cực công tác xóa đói, giảm nghèo, công tác xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong quá trình cung ứng dịch vụ tại khu vực nông thôn.
- Thực hiện Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; đẩy mạnh dịch vụ tư vấn về tài chính, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xây dựng chiến lược, phương án kinh doanh hiệu quả, bền vững.
- Mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ngân hàng, lắp đặt hệ thống máy ATM, POS tại trung tâm huyện, xã phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, nâng cao chất lượng hệ thống thanh toán thẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi sử dụng dịch vụ thẻ. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ viễn thông (mobile banking, internet banking) để phát triển sản phẩm dịch vụ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về dịch vụ ngân hàng như khái niệm khoản vay, lãi suất, các phương pháp tính lãi, phí dịch vụ, quyền và nghĩa vụ trong các giao dịch với ngân hàng, bằng các hình thức tờ rơi hoặc phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh