Kế hoạch 244/KH-UBND năm 2021 về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2022 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 244/KH-UBND
Ngày ban hành 27/12/2021
Ngày có hiệu lực 27/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 244/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 27 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ CÔNG NHẬN TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA NĂM 2022

Căn cứ Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học; Thông tư số 18/2018/TT- BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non; Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định các cơ sở giáo dục đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của cơ sở giáo dục; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

Công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho các cơ sở giáo dục không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Yêu cầu

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục và phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; được thực hiện một cách độc lập, khách quan, đúng pháp luật, bảo đảm trung thực, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn và gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cơ sở giáo dục.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia nhằm bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ số, công nghệ thông tin; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Hoàn thành các chỉ tiêu về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2022.

2. Mục tiêu cụ thể

100% các cơ sở giáo dục thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hoàn thành công tác kiểm định chất lượng làm cơ sở cho việc công nhận mới 17 trường học đạt chuẩn quốc gia và công nhận kết quả duy trì 39 trường học đạt chuẩn quốc gia trong năm 2022 (Danh sách kèm theo).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tuyên tuyền và nâng cao nhận thức về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

2. Công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát việc thực hiện

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ và tạo sự đồng thuận cao, là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.

Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đưa chỉ tiêu về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục các cấp; chú trọng xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ở cấp huyện, cấp xã; ban hành các văn bản chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn trong việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng và của đơn vị đối với việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia với việc thực hiện kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục và việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Chủ động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; triển khai ứng dụng các phần mềm hỗ trợ công tác kiểm định chất lượng; bố trí kinh phí cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện phân cấp quản lý giáo dục, cải cách hành chính, thực hiện công khai chất lượng, các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính trong giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ngành giáo dục với các ngành, các cấp, các lực lượng xã hội; tăng cường thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, giữ gìn nền nếp, kỷ cương trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Chú trọng việc xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong trường học. Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong hệ thống chính trị của nhà trường, quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế dân chủ ở cơ sở. Đề cao vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng trong thực hiện cải cách hành chính, quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

3. Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục

[...]