Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1983/QĐ-TTg về thực hiện Kết luận 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 24/KH-UBND
Ngày ban hành 21/01/2022
Ngày có hiệu lực 21/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 21 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1983/QĐ-TTG NGÀY 24/11/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 92-KL/TW NGÀY 05/11/2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5, KHÓA XI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2012-2020

Thực hiện Quyết định số 1983/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động, Kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020[1].

- Xác định các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện từ nay đến năm 2023; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về chính sách xã hội.

2. Yêu cầu

- Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch phải bảo đảm phù hợp, thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong các kế hoạch, chương trình, đề án liên quan đến chính sách xã hội đã được ban hành, gắn với mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch kịp thời, đồng bộ; các đơn vị, địa phương được giao chủ trì những hoạt động trong Kế hoạch phải chủ động triển khai tổ chức thực hiện kịp thời, đúng tiến độ, thực chất và hiệu quả.

- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện các chính sách xã hội; trong quá trình thực hiện Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách xã hội

- Thường xuyên, liên tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chính sách xã hội, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về chính sách xã hội; khơi dậy ý thức, tinh thần tự lực của người dân và huy động các nguồn lực trong xã hội thực hiện tốt các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh.

- Tăng thời lượng phát sóng chương trình truyền hình, phát thanh, truyền thanh ở địa phương để tuyên truyền các quy định của pháp luật về chính sách xã hội, bảo đảm chuyển tải nội dung, thông tin đến với mọi người dân.

- Xây dựng, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, truyền thông với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, nhất là các đối tượng yếu thế, người tàn tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; lồng ghép tuyên truyền về các chế độ, chính sách, điều kiện, trách nhiệm thụ hưởng của từng nhóm đối tượng phù hợp và đúng theo quy định của pháp luật.

- Kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay trong việc thực hiện các chính sách xã hội và những tấm gương tiêu biểu đóng góp vào thực hiện chính sách xã hội.

2. Triển khai thực hiện các chính sách xã hội đầy đủ, bao trùm và bền vững

- Sơ kết, tổng kết, đánh giá các chương trình, kế hoạch có liên quan đến chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã được ban hành; rà soát, phát hiện những vướng mắc, bất cập, hạn chế, không còn phù hợp để đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ về chính sách xã hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, của đất nước. Quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ cần có sự tham vấn, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.

- Triển khai thực hiện tốt chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; bảo đảm người có công được chăm sóc, ưu đãi toàn diện, gia đình người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; huy động các nguồn lực trong xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo đảm có cuộc sống ổn định; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tỉnh, giai đoạn 2022-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Kết luận của của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025[2]; hỗ trợ phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là vùng nông thôn.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 13/9/2021 của UBND Tỉnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động số 71-CTr/TU ngày 25/7/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, phù hợp, đa dạng, nhằm gia tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm toàn dân, chú trọng, khuyến khích thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và lao động phi chính thức.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế, người tàn tật theo các Kế hoạch đã ban hành[3]; tiếp tục rà soát chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, người bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, phù hợp với mức sống của từng nhóm đối tượng.

3. Thực hiện hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại

- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo và học tập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giáo dục mầm non, xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội học tập, giai đoạn 2021-2030, xây dựng đơn vị học tập và thực hiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo các Kế hoạch đã được ban hành[4]; xây dựng và củng cố nhà trẻ, mẫu giáo trong các khu, cụm công nghiệp và khu vực nông thôn. Thúc đẩy đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, người bị mất việc làm, nâng cao nguồn nhân lực; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 06/7/2021 của UBND Tỉnh).

- Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn Tỉnh, bảo đảm thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, hiện đại và hội nhập; xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động đầy đủ để hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, thanh niên chưa có việc làm, chú trọng thị trường lao động nước ngoài có thu nhập cao, việc làm ổn định để giới thiệu cho người lao động đi làm việc, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp nhanh hơn nữa, bảo đảm thực hiện tốt các Kết luận, Kế hoạch đã ban hành[5]; triển khai, hướng dẫn về các chế độ, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện nhằm bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

4. Xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của người dân

- Tiếp tục phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội, dịch vụ chăm sóc xã hội, khuyến khích, xã hội hóa thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, nhằm thực hiện tốt hơn việc chăm sóc các đối tượng cần bảo trợ xã hội, từng bước xây dựng dịch vụ trợ giúp xã hội có thu phí; phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội ngày càng chuyên nghiệp; phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng xã hội trong hoạt động trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa.

[...]