Kế hoạch 2363/KH-UBND năm 2017 về phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020

Số hiệu 2363/KH-UBND
Ngày ban hành 08/06/2017
Ngày có hiệu lực 08/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Bùi Minh Châu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2363/KH-UBND

 Phú Thọ, ngày 8 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 03/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; các cấp, các ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng lẫn tỷ trọng trọng GRDP của tỉnh; từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân Đất Tổ có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Mức độ tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới trên 8%/năm; đến năm 2020 có trên 8 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoạt động có lãi đạt trên 70%.

- Đóng góp của doanh nghiệp vào GRDP của tỉnh đạt từ 60 đến 70%, trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 75% tổng thu ngân sách của tỉnh.

- Tạo việc làm thường xuyên cho 150 nghìn lao động và tạo việc làm mới hàng năm cho khoảng 5 nghìn lao động; thu nhập bình quân cho người lao động đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và cơ chế tài chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; thiết lập cơ chế bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên...; Khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

2. Đánh giá tác động của các chính sách đối với các doanh nghiệp, định kỳ tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, qua đó hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

3. Cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ sản xuất (đường giao thông, điện, nước..) để có quỹ đất sạch, thuận lợi cho thu hút đầu tư; hỗ trợ di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành, nội thị.

4. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

5. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Xây dựng mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đảm bảo gắn kết giữa nhu cầu doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học nghề; trang bị những kiến thức quản trị và hội nhập cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đất tổ vừa có tâm, vừa có tầm.

6. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thụ hưởng các gói tín dụng quốc gia, các quỹ đầu tư khác. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Xây dựng một số cơ chế chính sách mới về tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp (như thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp..).

7. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác thông tin và tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu theo hướng nâng cao khả năng tiếp thị, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp trong vùng để phát triển chuỗi cung ứng. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, tham gia mạng lưới liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm định hướng xuất khẩu.

III. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp.

2. Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp.

3. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

4. Phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp.

5. Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành, tạo điều kiện tiếp cận đất đai thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

6. Cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

7. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm có định hướng xuất khẩu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.

[...]