Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 235/KH-UBND
Ngày ban hành 05/06/2015
Ngày có hiệu lực 05/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Thiện
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 05 tháng 06 năm 2015

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36 trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng rộng rãi và công nghiệp CNTT trở thành một ngành kinh tế có tác động tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Triển khai thành công kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến (DVC TT) mức độ cao trong mọi lĩnh vực gắn với tiến trình cải cách hành chính của tỉnh;

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị và DVC TT;

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực CNTT), đổi mới nội dung, phương thức dạy và học, thúc đẩy xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh;

- Xây dựng thành công Khu CNTT tập trung của tỉnh và thu hút được các nhà đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, đưa công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có đóng góp đáng kể vào GDP của tỉnh từ năm 2020.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Đổi mới, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, của mỗi cán bộ công chức, cộng đồng doanh nghiệp đối với ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh

a) Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về vị trí, vai trò, tiện ích và những thành quả mang lại của CNTT; về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CNTT trong chiến lược phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế của tỉnh.

b) Kiện toàn Ban chỉ đạo CNTT các huyện, thành phố, thị xã; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo CNTT cấp tỉnh và cấp huyện; người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các cấp phải trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc phát triển, ứng dụng CNTT tại đơn vị mình.

c) Xác định rõ quan điểm đầu tư ứng dụng CNTT là nội dung bắt buộc trong từng quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như trong từng đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, địa phương và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Quá trình thiết kế, xây dựng các công trình hạ tầng, khu đô thị, nhà làm việc của các cơ quan, đơn vị phải có nội dung thiết kế hạ tầng viễn thông, CNTT theo quy định của Nhà nước.

d) Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội.

2. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng dụng, phát triển CNTT

a) Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến ứng dụng và phát triển CNTT phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh và xu hướng phát triển CNTT ở trong nước và quốc tế; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng; đảm bảo an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin, đặc biệt là các hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia và của tỉnh.

b) Hoàn thiện và bổ sung hệ thống tiêu chí đánh giá mức độ và hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng và phát triển CNTT, thương mại điện tử.

c) Ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng và phát triển CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp, xã hội và đặc biệt là các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho CNTT. Khuyến khích áp dụng các hình thức thuê, mua dịch vụ CNTT, hình thức hợp tác công - tư (PPP), xây dựng và vận hành (BO), xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT).

d) Ưu tiên sử dụng các sản phẩm CNTT sản xuất trong tỉnh và trong nước, có thương hiệu Việt Nam trong các công trình, hệ thống thông tin thuộc cơ quan Nhà nước. Trong khuôn khổ quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh làm chủ thầu các dự án đầu tư hoặc dự án cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan Nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để ứng dụng, phát triển các công nghệ mới có hàm lượng tin học hóa cao, hiện đại.

e) Hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt chính sách thu hút, chế độ thù lao, phụ cấp, khen thưởng phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức CNTT của tỉnh, người có đóng góp, sáng chế, phát minh, cải tiến có giá trị.

3. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT

a) Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin của tỉnh đồng bộ, hiện đại

- Chỉ đạo phát triển hạ tầng mạng Bưu chính Viễn thông theo Quy hoạch đã được phê duyệt;

- Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống máy tính, mạng nội bộ của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã;

- Xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng về dân cư, đất đai, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức,....

[...]