Kế hoạch 2348/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 2348/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2018
Ngày có hiệu lực 07/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lưu Xuân Vĩnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2348/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 07 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần I.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. Đánh giá chung về kết quả thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn tỉnh

Trong giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được Trung ương hỗ trợ triển khai thực hiện 13/16 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng vốn phân bổ là 824.236 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần so giai đoạn 2006-2010; trong đó vốn sự nghiệp là 411.108 triệu đồng, chiếm 49,8% và vốn đầu tư phát triển 413.128 triệu đồng, chiếm 50,2% tổng vốn. Quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các chương trình, ngoài nguồn vốn được TW giao, tỉnh còn huy động, thực hiện việc lồng ghép nhiều nguồn lực khác bổ sung cho các chương trình.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, các Chương trình MTQG đã tác động tích cực đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Các Chương trình MTQG được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, văn hóa, nước sạch, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động và góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Kết quả thực hiện các chương trình như sau:

1. Về xóa đói giảm nghèo, dạy nghề và việc làm:

Tổng vốn các chương trình được giao 435,04 tỷ đồng, trong đó Chương trình giảm nghèo bền vững 231,1 tỷ đồng (Chương trình 30a đầu tư huyện nghèo Bác Ái và 2 xã bãi ngang ven biển 138,349 tỷ; hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho 15 xã và 16 thôn đặc biệt khó khăn 88,547 tỷ đồng); Chương trình việc làm và dạy nghề 203,976 tỷ đồng. Bám sát các mục tiêu của chương trình, trong 5 năm tập trung triển khai chương trình dạy nghề cho nông dân với các hình thức dạy nghề ngắn hạn và dài hạn, chủ yếu các nghề trong nông nghiệp gắn với áp dụng vào thực tế sản xuất, nghề phi nông nghiệp gắn với đào tạo theo địa chỉ. Kết quả trong 5 năm, các ngành các địa phương đã tổ chức đào tạo 41.882 lao động, trong đó đào tạo trung cấp nghề cho 4.832 lao động, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên cho 37.050 lao động, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 43,9% năm 2010 lên 50,4% vào cuối năm 2015, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 33,5%, tăng 7,5% so năm 2010 (25,9%); bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 15.700 lao động; đã hỗ trợ đầu tư 243 công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, chợ dân sinh, điện, nước sinh hoạt, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với người nghèo như: mô hình chăn nuôi bò, dê, heo đen; mô hình bắp lai, lúa nước, trồng chuối..., đồng thời triển khai đồng loạt các hoạt động của các chương trình dự án khác trên địa bàn. Kết quả đến cuối năm 2015, vùng dân tộc miền núi cơ bản đã xóa hộ đói, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 30% năm 2010 xuống còn khoảng 15% năm 2015, riêng huyện nghèo Bác Ái giảm từ 66,7% năm 2010 xuống còn 21,8% năm 2015, bình quân giảm 7-8%/năm. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 15,48% năm 2010 xuống còn 5,73% vào năm 2015, bình quân giảm 1,95%/năm (mục tiêu giảm 1,2-1,5%/năm).

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao. Hầu hết các hộ mới thoát nghèo rơi vào hộ cận nghèo. Nguyên nhân chính là do xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh còn thấp, các hộ nghèo và cận nghèo phần lớn là đồng bào dân tộc, sinh sống chủ yếu vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế xã hội hết sức khó khăn. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư của chương trình giảm nghèo tuy có tăng nhưng mức đầu tư còn thấp, chính sách giảm nghèo tuy nhiều nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ như chính sách y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ sản xuất..., trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp (vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn vay giải quyết việc làm, đào tạo nghề). Bên cạnh đó, ý thức vươn lên tự thoát nghèo và làm giàu của một số hộ đồng bào dân tộc miền núi còn thấp, một số còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

2. Về Xây dựng nông thôn mới:

Được xác định là chương trình trọng điểm tập trung chỉ đạo. Tổng vốn đầu tư hơn 426,85 tỷ đồng, trong đó vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới 81,85 tỷ đồng, vốn tín dụng do tỉnh vay hỗ trợ 178 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp và đóng góp của người dân là 167 tỷ đồng. Tỉnh đã lựa chọn 11 xã điểm để tập trung chỉ đạo, đồng thời tập trung hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các xã, trọng tâm là đầu tư giao thông nông thôn, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, trường học, chợ và các thiết chế văn hóa cơ sở. Đến cuối năm 2015 đã hoàn thành công tác quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng cho 47/47 xã, lập 3 loại quy hoạch chi tiết cho 11 xã điểm; đầu tư cứng hóa trên 116,7 km đường liên thôn, 8 km kênh mương cấp 2,3, xây dựng một số phòng học, tường rào các trường tiểu học, mẫu giáo; sửa chữa các trạm y tế...; chuyển giao các mô hình sản xuất mới bước đầu đạt kết quả tốt và đang triển khai nhân rộng.

Kết quả đến cuối năm 2015, có 11 xã đạt chuẩn được công nhận xã nông thôn mới; 08 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, đặc biệt có 100% số xã đạt tiêu chí về xây dựng trụ sở và đảm bảo cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất; bước đầu đã tạo được khí thế phấn khởi tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn.

3. Các chương trình mục tiêu quốc gia khác

Bên cạnh việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, các chương trình MTQG khác được các cấp, các ngành chủ động triển khai và đạt được nhiều kết quả, đóng góp chung vào thực hiện các mục tiêu văn hóa xã hội của địa phương. Thông qua thực hiện các Chương trình, bước đầu đã rút ngắn khoảng cách về thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 79,04% năm 2010 lên khoảng 87% năm 2015; tỷ lệ dân cư nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 70% năm 2015, tăng 13,1% so với 2010; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 23,5% năm 2010 xuống còn 18,5% năm 2015; có 7/7 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

II. Một số khó khăn và tồn tại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Kết quả giảm nghèo ở vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tuy có nhanh (giảm 7-8%/năm) nhưng chưa vững chắc; khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là giữa khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc Raglai với các vùng còn lại; số hộ nghèo là dân tộc thiểu số vẫn chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả tỉnh; đời sống người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số mới xấp xỉ bằng 50% mức thu nhập bình quân của cả tỉnh; chất lượng nguồn lao động còn thấp; hạ tầng về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế một số nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong xây dựng nông thôn mới, mức độ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thấp, nhất là một số hạ tầng thiết yếu, như: lĩnh vực giao thông đến cuối năm 2015 chỉ có 25 xã, thủy lợi có 32 xã, trường học có 7 xã, cơ sở vật chất văn hóa có 15 xã và y tế có 32 xã đạt chuẩn theo quy định.

Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là: nguồn lực đầu tư cho các chương trình còn thấp, khả năng huy động đóng góp của cộng đồng và các thành phần kinh tế còn hạn chế; trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là đồng bào dân tộc Raglai còn thấp; sự phối hợp giữa các Sở, ban ngành và địa phương chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát đánh giá chưa được thường xuyên và quan tâm đúng mức; việc phân công, phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chưa rõ ràng, cụ thể,...

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020

Giai đoạn 2016-2020, Quốc hội và Chính phủ đã tích hợp và ban hành 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016) và Xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016). Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 gồm một số mục tiêu, nhiệm vụ sau:

I. MỤC TIÊU

1. Chương trình nông thôn mới

a) Mục tiêu chung: Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững.

b) Một số chỉ tiêu cụ thể đến 2020:

- Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 28 xã, bao gồm cả các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015); Số tiêu chí bình quân đạt 16,50 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 09 tiêu chí. Có từ 01- 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Phan Rang- Tháp Chàm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

[...]