Kế hoạch 234/KH-BGDĐT năm 2022 về xây dựng Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” giai đoạn 2023-2030 do Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành

Số hiệu 234/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 09/03/2022
Ngày có hiệu lực 09/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục đào tạo
Người ký Ngô Thị Minh
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN “PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM MẪU GIÁO (3 VÀ 4 TUỔI) VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM 5 TUỔI” GIAI ĐOẠN 2023-2030

Căn cứ Nghị quyết số 99/2021/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1983/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020,

Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” giai đoạn 2023-2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Tổ chức xây dựng Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” giai đoạn 2023-2030 (Sau đây gọi tắt là Đề án) đảm bảo quy định.

- Kế hoạch là căn cứ để các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan, sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án theo đúng Kế hoạch.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng

1.1. Xây dựng Đề cương Báo cáo, công văn và các biểu mẫu khảo sát, đánh giá, nghiên cứu thông tin, tài liệu, các văn bản liên quan.

1.2. Tổ chức làm việc với một số địa phương để đánh giá thực trạng phát triển giáo dục mầm non; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các đơn vị. Xây dựng các báo cáo khảo sát, đánh giá làm căn cứ xây dựng Đề án.

2. Xây dựng Đề cương Đề án

2.1. Tổ chức soạn thảo và tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để xây dựng, hoàn thiện Đề cương Đề án.

2.2. Trình Thứ trưởng phụ trách xin ý kiến về Đề cương Đề án.

3. Xây dựng hồ sơ Đề án

3.1. Xây dựng dự thảo hồ sơ Đề án, tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm; gửi văn bản xin ý kiến tham gia, góp ý của các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan; tổng hợp, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa dự thảo hồ sơ Đề án theo quy định, trình Thứ trưởng trách chỉ đạo, thống nhất; trình xin ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng về dự thảo hồ sơ Đề án.

3.2. Trình Bộ trưởng xin ý kiến chỉ đạo về Dự thảo hồ sơ Đề án; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng phê duyệt Tờ trình Thủ tướng Chính phủ.

(Có Phụ lục Kế hoạch chi tiết kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Vụ Giáo dục Mầm non: Chủ trì, triển khai thực hiện Kế hoạch bảo đảm tiến độ thời gian, quy định về xây dựng Đề án; kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ các giải pháp triển khai xây dựng Đề án.

- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ gồm: Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ Tổ chức Cán bộ, Văn phòng, Vụ Pháp chế, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Vụ Giáo dục Dân tộc, Cục Cơ sở Vật chất, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Cục Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: tham gia, phối hợp với Vụ Giáo dục Mầm non, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng hồ sơ Đề án. Vụ Kế hoạch - Tài chính thẩm định và trình Bộ trưởng bố trí kinh phí xây dựng Đề án.

2. Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc Hội; Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ; Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tạo điều kiện để các cán bộ, công chức được cử tham gia Ban soạn thảo Đề án hoàn thành nhiệm vụ; hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ phê duyệt, ban hành Đề án.

3. Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh/thành phố: Cung cấp thông tin, số liệu xây dựng báo cáo, tham gia góp ý, phối hợp với Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Chính phủ ban hành.

IV. KINH PHÍ

Kinh phí xây dựng Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” giai đoạn 2023-2030 bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Vụ Giáo dục Mầm non xây dựng dự toán kinh phí, tổ chức thực hiện./.

[...]