Kế hoạch 2271/KH-UBND năm 2018 về tổ chức sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020 và đến năm 2030
Số hiệu | 2271/KH-UBND |
Ngày ban hành | 22/05/2018 |
Ngày có hiệu lực | 22/05/2018 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Nguyễn Hữu Phước |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2271/KH-UBND |
Bến Tre, ngày 22 tháng 5 năm 2018 |
I. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG CÔNG LẬP
Tính đến năm học 2017 - 2018, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh có 519 đơn vị, cụ thể như sau:
1. Giáo dục mầm non (GDMN)
Có 164 cơ sở giáo dục công lập (điểm trường chính) và 275 điểm trường lẻ. thành phố Bến Tre là đơn vị có điểm trường lẻ thấp nhất (điểm trường lẻ: 10/điểm trường chính: 14). Các đơn vị có điểm trường lẻ cao là Ba Tri (54/25), Mỏ Cày Nam (35/17), Thạnh Phú (34/18).
2. Giáo dục phổ thông
a) Tiểu học (TH) có 190 trường (điểm trường chính) và 252 điểm trường lẻ. Các đơn vị có điểm trường lẻ cao là Ba Tri (43/28), Giồng Trôm (42/25), Mỏ Cày Nam (37/23), Thạnh Phú (36/19).
b) Trung học cơ sở (THCS) có 132 trường; Trung học phổ thông (THPT) có 33 trường. Các trường THCS, THPT không có điểm trường lẻ. (Phụ lục 1)
Nhận định chung:
Hệ thống cơ sở GDMN và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh được phân bố khá hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh; là điều kiện quan trọng giúp tỉnh nhà đạt nhiều thành quả trong thực hiện phổ cập giáo dục trong thời gian qua.
Các cơ sở GDMN và phổ thông công lập nhờ được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh cùng với sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, nên cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở GDMN và phổ thông ngày càng khang trang, hiện đại (đặc biệt ở điểm trường chính), bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị nói riêng, của ngành giáo dục nói chung.
Trước đây, do điều kiện đi lại của học sinh còn khó khăn nên phải xây dựng nhiều điểm trường lẻ để đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Tuy nhiên, sự tồn tại của các cơ sở giáo dục với nhiều điểm trường lẻ cũng là yếu tố gây hạn chế cho công tác quản lý các hoạt động giáo dục, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, duy trì chất lượng giáo dục của nhà trường. Mặt khác, việc quy hoạch mạng lưới trường phổ thông trước đây, chủ yếu là TH và THCS, hiện đang lộ ra nhiều bất cập. Cụ thể: có khá nhiều trường có quy mô nhỏ (8-10 lớp), tổ chức bộ máy cồng kềnh (phải có đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên), việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hoặc không sử dụng hết công năng, hoặc khó triển khai được,...
Từ thực trạng trên, việc tổ chức sắp xếp lại hợp lý hệ thống cơ sở GDMN và phổ thông sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng giáo dục của đơn vị, của địa phương.
1. Căn cứ xây dựng kế hoạch
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW);
Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 26 tháng 01 năm 2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Chương trình hành động số 33-CTr/TU ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Kế hoạch số 1564/KH-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2018 của UBND tỉnh Bến Tre thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 26/01/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động số 29-CTr/TU)
2. Mục đích, yêu cầu
a) Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDMN, trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần cụ thể hóa Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU, Chương trình hành động số 33-CTr/TU ngày 27/01/2014 của Tỉnh ủy; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDMN, trường phổ thông công lập trên địa bàn.
b) Việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDMN, trường phổ thông công lập đảm bảo các yêu cầu:
- Có lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời đáp ứng với nhiệm vụ cụ thể của Chương trình hành động số 29-CTr/TU đề ra theo từng giai đoạn. Có phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi và được sự đồng thuận của nhân dân tại địa phương.
- Việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục được thực hiện theo hướng thu gọn một số điểm trường không cần thiết, sáp nhập thành trường nhiều cấp học; bảo đảm được các điều kiện tốt trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, tạo sự thuận lợi cho giáo viên trong giảng dạy và cho học sinh trong học tập.
- Có sự kế thừa những kết quả đã đạt và tiếp tục hoàn thành các mục tiêu của các kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của UBND tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Nguyên tắc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục
- Việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục phải dựa trên kết quả rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDMN, trường phổ thông trên địa bàn; đồng thời dựa theo các mục tiêu của các kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của UBND tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.