Kế hoạch 22/KH-LĐLĐ năm 2022 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 22/KH-LĐLĐ
Ngày ban hành 15/04/2022
Ngày có hiệu lực 15/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
Người ký Lê Đình Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TP
HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/KH-LĐLĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN THỦ ĐÔ

Thực hiện Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 31/3/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô, nhanh chóng đưa Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của đoàn viên, người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác.

2. Yêu cầu

- Công đoàn tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy đồng thời phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch.

- Tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn Thủ đô, sẵn sàng chủ động ứng phó với mọi tình huống, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

2. Thời gian: trong năm 2022.

II. NỘI DUNG, LĨNH VỰC, ĐỊA BÀN CẦN KHẮC PHỤC

- Sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

- Thiếu nhất quán trong tham gia triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

- Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống đoàn viên, người lao động, có lúc gây bức xúc trong dư luận.

- Công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch có lúc còn chưa hiệu quả, kịp thời.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Công đoàn Thủ đô trong phòng, chống dịch Covid-19

- Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động toàn thể đoàn viên, CNVCLĐ tham gia công tác phòng, chống dịch.

- Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các cấp Công đoàn từ Thành phố đến cơ sở; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với đảm bảo nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ y tế là đoàn viên công đoàn, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.

- Tham gia thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp Thành phố.

2. Nhiệm vụ, giải pháp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

- Tham gia phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động chủ động tuyên truyền, làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà ở có đông CNLĐ thuê trọ...

- Tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động làm tốt công tác giám sát, phát hiện và thông tin kịp thời với các cấp chính quyền để xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, phát tán tin giả, xuyên tạc, kích động trong đoàn viên, CNVCLĐ về công tác phòng, chống dịch.

- Xây dựng và triển khai các phương án chủ động bám sát, nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tâm lý xã hội để đoàn viên, CNVCLĐ tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch.

3. Nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội

- Chủ động tham gia xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với đoàn viên, CNVCLĐ phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

- Cung cấp các túi an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực giãn cách xã hội và cơ sở, địa bàn cách ly y tế; chú trọng hỗ trợ trẻ em và nhóm dễ bị tổn thương, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Tham gia các nội dung khác về an sinh xã hội thực hiện theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

[...]