Kế hoạch 219/KH-UBND năm 2022 thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 tại thành phố Cần Thơ

Số hiệu 219/KH-UBND
Ngày ban hành 25/10/2022
Ngày có hiệu lực 25/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thực Hiện
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ
CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 25 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TẦM NHÌN ĐẾN 2045 TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cQuyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045;

Để chủ động triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và tăng cường hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho người dân trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch Thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2045 tại thành phố Cần Thơ, với những nội dung cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Thực trạng tình hình dinh dưỡng

- Việc triển khai thực hiện chương trình dinh dưỡng trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả cao, đáng kể nhất là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các thể đã giảm mạnh: so sánh từ năm 2016 đến năm 2020 tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm từ 13,8% xuống còn 11,5%; suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi từ 24,3% xuống còn 19,6%. Thành phố Cần Thơ ở nhưng năm cuối của giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ cũng đã đạt được những kết quả đáng mong đợi, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các thể đều giảm:

+ Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi (cân nặng/tuổi) giảm trung bình 0,42%/năm (năm 2016 là 10,6% đến năm 2020 là 8,9%);

+ Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi (chiều cao/tuổi) giảm trung bình 0,77%/năm (năm 2016 là 21,3% đến năm 2020 là 18,1%);

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, thành phố Cần Thơ vần phải đối mặt với những thách thức lớn về dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi của trẻ em <5 tuổi tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn ở mức độ trung bình cao. Tình trạng thừa cân - béo phì và một số bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng. Tình trạng dinh dưỡng của người lao động và học sinh, sinh viên vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hoạt động chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng tại trung tâm còn nhiều hạn chế.

2. Kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020

a) Thuận lợi

- Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống suy dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016-2020 được thực hiện và thu được kết quả khả quan. Để đạt được những kết quả nhất định này phần lớn là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và sự triển khai thực hiện quyết liệt của Ủy ban nhân dân quận, huyện, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố.

- Tình trạng dinh dưỡng của người dân được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm đều qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhẹ. Công tác thu thập số liệu tại 30 cụm xã, phường trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nhằm đánh giá sơ bộ giá tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi dược thực hiện hàng năm.

- Nhiều giải pháp được đề ra và thực hiện nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và táng cường nâng cao năng lực của cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng được quan tâm, chú trọng.

- Dinh dưỡng trong các bữa ăn của học sinh và công nhân nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, đơn vị và cá nhân. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá nhà ăn tại các trường học, xí nghiệp được thực hiện hàng năm để có thể đóng góp ý kiến, chỉnh sửa và nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn kịp thời.

- Thông qua việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đã giúp thành phố Cần Thơ đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng các thể ở trẻ, thì công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý và biết được 10 lời khuyên dinh dưỡng trong giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời phòng chống các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm...

b) Một số khó khăn và thách thức

Bên cạnh những thành công đã đạt được, như việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng theo các năm thì công tác triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong giai đoạn vừa qua vẫn còn những khó khăn hạn chế sau:

- Bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng các thể ở trẻ em dưới 5 tuổi đang được giải quyết và có từng bước tiến triển, thì tình trạng thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi đang có chiều hướng gia tăng, năm 2017 tỷ lệ thừa cân - béo phì chiếm 7,6% đến năm 2020 tăng lên 8,6%.

- Nhân lực thực hiện công tác dinh dưỡng ở tuyến xã, phường, thị trấn thiếu hụt, thay đổi thường xuyên dẫn đến thiếu kinh nghiệm trong công tác và trình độ chuyên môn chưa vững; việc một cán bộ kiêm nhiệm nhiều chương trình cùng lúc cũng làm ảnh hưởng nhiều đến năng lực hoạt động và chất lượng công việc.

- Hiện tại, chương trình dinh dưỡng đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện nhưng chủ yếu hướng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi học sinh cũng rất quan trọng, song vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Chương trình sửa học đường vẫn chưa được thực hiện, gây ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, thể lực và cả trí lực của thế hệ trẻ người dân thành phố.

- Sự hiểu biết về thực hành dinh dưỡng, chăm sóc dinh dưỡng giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của các bà mẹ còn hạn chế. Đặc biệt là đối với những bà mẹ đi làm sớm, làm xa, những người ở vùng sâu, vùng xa... Nhận thức về dinh dưỡng hợp lý của người dân còn thấp. Các hoạt động dinh dưỡng tiết chế tại các bệnh viện, cơ sở y tế chưa được đẩy mạnh.

- Tác động của dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hướng dẫn đến nguy cơ người dân thiếu lương thực, thực phẩm ở những vùng sâu, vùng xa, những hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Việc khó tiếp cận nguồn dinh dưỡng hợp lý làm cho nguy cơ suy dinh dưỡng có thể tăng lên, đặc biệt là đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi.

- Ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương cấp, việc phân bổ nguồn tài chính từ nguồn ngân sách của thành phố cho các hoạt động chương trình dinh dưỡng có hạn chế. Kinh phí hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên tại địa phương còn rất thấp vì thế khi triển khai thực hiện hoạt động tại một số địa phương thiếu nhiệt tình. Bên cạnh đó, một số trang thiết bị, vật tư như: thước đo đứng, thước đo nằm, tranh ảnh... đã cũ, hư hỏng không còn phục vụ được công tác tư vấn dinh dưỡng.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2021- 2030 TẦM NHÌN ĐẾN 2045

1. Căn cứ pháp lý xây dựng kế hoạch

- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới;

[...]