Kế hoạch 218/KH-UBND năm 2023 phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030

Số hiệu 218/KH-UBND
Ngày ban hành 31/08/2023
Ngày có hiệu lực 31/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 218/KH-UBND

Cà Mau, ngày 31 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Thông báo kết luận số 203-TB/VPTU ngày 22/8/2022 của Văn phòng Tỉnh ủy; căn cứ Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Cà Mau đến năm 2025. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

Phát triển thể thao thành tích cao, một số môn thể thao có truyền thống và thế mạnh của tỉnh Cà Mau đạt trình độ trung bình khá trong cả nước và nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn cao; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, thi đấu, củng cố, mở rộng các môn thể thao thế mạnh; khai thác và phát triển các môn thể thao tiềm năng; tạo bước đột phá mới về thành tích thi đấu để đạt thứ hạng cao trong các kỳ Đại hội, các giải thể thao khu vực và toàn quốc.

Tập trung phát triển thể thao thành tích cao, chú trọng những môn thể thao trọng điểm có thế mạnh của tỉnh, lấy đấu trường các giải vô địch quốc gia, Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games quốc tế làm mục tiêu chính; có đóng góp nhiều vận động viên cho đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia và đạt thành tích cao ở các giải khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới.

2. Chỉ tiêu

2.1. Giai đoạn 2023 - 2025

Tham gia Đại hội thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX năm 2023, phấn đấu đạt từ 30 - 40 huy chương các loại (trong đó, từ 15 đến 20 huy chương vàng) và xếp hạng toàn đoàn từ thứ 5 đến thứ 8/14 tỉnh, thành, ngành. Tham gia Đại hội thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ X năm 2025, phấn đấu đạt từ 35 - 45 huy chương các loại (trong đó, từ 18 đến 22 huy chương vàng) và xếp hạng toàn đoàn từ thứ 4 đến thứ 7/14 tỉnh, thành, ngành.

Số giải tham gia thi đấu: từ 15 - 20 giải/năm trong hệ thống thi đấu giải khu vực, quốc gia, quốc tế; phấn đấu mỗi năm đạt từ 100 - 150 huy chương các loại tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế.

Phấn đấu mỗi năm có từ 20 - 30 vận động viên đạt cấp I, từ 06 -10 vận động viên đạt cấp kiện tướng và có từ 06 - 10 vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia.

2.2. Giai đoạn 2026 - 2030

Tham gia Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, phấn đấu đạt từ 20 - 25 huy chương các loại (trong đó, từ 03 - 06 huy chương vàng) và xếp hạng toàn đoàn từ thứ 43 đến thứ 48/65 tỉnh, thành, ngành; Tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030, phấn đấu đạt từ 25 - 30 huy chương các loại (trong đó, từ 05 - 08 huy chương vàng) và xếp hạng toàn đoàn từ thứ 38 đến thứ 45/65 tỉnh, thành, ngành.

Tham gia Đại hội thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XI năm 2027, phấn đấu đạt từ 35 - 45 huy chương các loại (trong đó, từ 18 - 22 huy chương vàng) và xếp hạng toàn đoàn từ thứ 4 đến thứ 7/14 tỉnh, thành, ngành. Tham gia Đại hội thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XII năm 2029, phấn đấu đạt từ 38 - 47 huy chương các loại (trong đó, từ 20 - 25 huy chương vàng) và xếp hạng toàn đoàn từ thứ 4 đến thứ 6/14 tỉnh, thành, ngành.

Số giải tham gia thi đấu: từ 20 - 25 giải/năm trong hệ thống thi đấu giải khu vực, quốc gia, quốc tế; phấn đấu mỗi năm đạt từ 50 - 100 huy chương các loại tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế.

Phấn đấu mỗi năm có từ 30 - 40 vận động viên đạt cấp I, từ 10 - 15 vận động viên đạt cấp kiện tướng và có từ 8 - 15 vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia.

II. NHIỆM VỤ

1. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong lực lượng thanh thiếu niên, học sinh; lấy trường học làm địa bàn trọng điểm để tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ; lấy kết quả thi đấu làm động lực để thúc đẩy phong trào thể thao cho mọi người phát triển toàn diện.

2. Xác định số môn thể thao đào tạo, huấn luyện

Tập trung đầu tư đào tạo, huấn luyện các môn thể thao thế mạnh của tỉnh: Taekwondo, Boxing, Kickboxing, Điền Kinh, Vovinam, Cầu Lông, Quần Vợt, Bóng chuyền bãi biển, Đua thuyền, Jujitsu, Cử tạ, Thể hình, Vật,… và một số môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic, Á Vận hội (ASIAD), thế giới và Đại hội thể thao Đông Nam Á (Seagame).

Số lượng vận động viên được đào tạo, huấn luyện mỗi năm khoảng 130 VĐV thuộc các môn thể thao được xác định theo Đề án.

3. Tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên

Phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện viên, vận động viên. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí, huấn luyện viên nhằm phát huy vai trò của các câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đơn vị trong tỉnh, tạo nguồn cung cấp các vận động viên tài năng cho thể thao thành tích cao của tỉnh.

Hàng năm đánh giá chất lượng, trình độ tập luyện của vận động viên để sàng lọc, thay thế bổ sung lực lượng vận động viên vào các đội tuyển nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện vận động viện đảm bảo đủ cả về số lượng và chất lượng.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát tìm kiếm vận động viên từ các nguồn trong và ngoài tỉnh nhằm kịp thời tuyển chọn vận động viên xuất sắc cống hiến cho tỉnh.

4. Đào tạo, huấn luyện vận động viên

[...]