Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên địa bàn Thành phố Hải Phòng

Số hiệu 216/KH-UBND
Ngày ban hành 31/08/2020
Ngày có hiệu lực 31/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 31 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CHỈ THỊ 23/CT-TTG NGÀY 26/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH:

- Tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt kịp thời, đầy đủ các nội dung Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ và bảo vệ trẻ em (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 23) đến các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, cá nhân, gia đình và toàn thể Nhân dân trên địa bàn thành phố.

- Xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 23, đảm bảo thống nhất, chủ động, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, đề xuất kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; đưa nội dung Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành vào kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm.

- Rà soát, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; kiến nghị, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật về đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, tư pháp thân thiện đối với trẻ em và người chưa thành niên; các chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; các chính sách về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, vui chơi giải trí; tư vấn, trợ giúp pháp lý đối với trẻ em.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan đến trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em ở khu vực kinh tế khó khăn tiếp cận tốt nhất với hệ thống bảo vệ trẻ em.

2. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em, các kiến thức, kỹ năng đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em về cả nội dung và hình thức, đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt chú trọng công tác truyền thông cho trẻ em và những người trực tiếp chăm sóc trẻ; hình thức tuyên truyền theo hướng đơn giản, dễ hiểu, tập trung nội dung có trọng tâm, trọng điểm theo từng địa bàn, nhất là những nơi có nhiều trẻ em có nguy cơ rơi hoàn cảnh đặc biệt.

- Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động xã hội tham gia thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hình sự, pháp luật hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở khu vực nông thôn, khu vực có kinh tế khó khăn, khu vực nhiều lao động nữ ngoại tỉnh cư trú...

- Đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em vào chương trình chính khóa ở các trường học và sinh hoạt Đoàn, Đội; vận động các bậc phụ huynh đồng hành cùng nhà trường giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho trẻ em.

- Truyền thông nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, fanpage trên mạng xã hội để giáo dục trẻ em; đăng tải nhiều tin, bài phản ánh các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy quyền tham gia của trẻ em trên hệ thống website, các trang mạng xã hội.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

4. Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”.

5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em:

- Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên đề các nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong những lĩnh vực, những địa bàn có nguy cơ cao. Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các vụ việc, những người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bao che vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em để có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để lọt tội phạm.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

6. Tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em:

- Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các đội xung kích, tình nguyện trong các tổ chức Đoàn, Hội, đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc cơ sở để tuyên truyền sâu rộng về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

- Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, những vấn đề mới, những dấu hiệu mới của tội phạm xâm hại trẻ em cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên để làm cơ sở đổi mới nội dung tuyên truyền; phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp xây dựng các mô hình, phong trào trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.

- Tiếp tục phối hợp thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát động Phong trào toàn dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về tội phạm liên quan đến trẻ em.

[...]