Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2017 thực hiện Công điện 732/CĐ-TTg về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 216/KH-UBND
Ngày ban hành 09/08/2017
Ngày có hiệu lực 09/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Phạm Anh Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 09 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG ĐIỆN 732/CĐ-TTG NGÀY 28/5/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU VÀ CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG TÀU CÁ VÀ NGƯ DÂN VIỆT NAM KHAI THÁC HẢI SẢN TRÁI PHÉP Ở VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.

Thời gian qua các sở, ngành phối hợp với các địa phương đã tổ chức triển khai và thực hiện khá tốt Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được một số kết quả nhất định. Phần lớn bà con ngư dân chấp hành tốt, tình hình tàu cá và ngư dân trên địa bàn tỉnh vi phạm và bị nước ngoài bắt giữ giảm. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2017, đã có 10 tàu cá với 72 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ do khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ngày 28/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện 732/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Để tổ chức thực hiện tốt nội dung Công điện nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với nội dung cụ thể như sau:

1. Công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Công điện

a) Triển khai ở cấp tỉnh:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nội dung Công điện.

- Thành phần: các sở, ngành tỉnh có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), các phòng chuyên môn cấp huyện có liên quan; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) có tàu khai thác xa bờ và một số chủ tàu cá tiêu biểu ở địa phương.

b) Triển khai ở cấp huyện, xã:

- Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai cho tất cả phòng chuyên môn có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai cho tất cả các chủ tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn.

2. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho tổ chức, cá nhân liên quan đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng các quy định pháp luật về thủy sản của Việt Nam, quốc tế và các nước tại các địa bàn trọng điểm nghề cá.

- Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản, cùng với lực lượng liên quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu cố ý đi khai thác ở vùng biển nước ngoài.

- Không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm; tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước thì tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Yêu cầu các tàu cá có lắp thiết bị giám sát hành trình phải mở máy hoạt động 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý, giám sát.

b) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; đơn vị nào để xảy ra vi phạm thì chỉ huy đơn vị đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Tăng cường tuần tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào các cửa biển để có thể sớm phát hiện và ngăn chặn các tàu mang biển số đăng ký lạ hoặc tàu có gắn các thiết bị, các ký hiệu lạ nhằm mục đích đưa tàu đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Chú trọng phát hiện, đề xuất xử lý kịp thời các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, chuộc tàu cá, ngư dân về nước trái phép.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thủy sản của Việt Nam, quốc tế và các nước tại các địa bàn trọng điểm nghề cá.

c) Công an tỉnh:

- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các sở, ngành tỉnh có liên quan nhanh chóng xác minh nhân thân của các ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để phục vụ công tác bảo hộ, sớm đưa ngư dân về nước, không để xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh, trật tự.

- Quản lý chặt chẽ số ngư dân mới được nước ngoài trả về, phát hiện và xử lý các trường hợp bị nước ngoài hoặc các thế lực thù địch tác động, mua chuộc, lôi kéo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

d) Sở Ngoại vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và địa phương xác minh nhân thân của các ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để phục vụ công tác bảo hộ, sớm đưa ngư dân về nước.

[...]