Kế hoạch 2158/KH-UBND năm 2018 thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 2158/KH-UBND
Ngày ban hành 19/12/2018
Ngày có hiệu lực 19/12/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Xuân Quang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2158/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 19 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Chương trình hành động số 24-Ctr/TU ngày 13/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (gọi chung là Nghị quyết số 27-NQ/TW), Chương trình hành động số 24-Ctr/TU ngày 13/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gọi chung là Chương trình hành động số 24-Ctr/TU), tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng, ý nghĩa, nội dung cải cách chính sách tiền lương.

- Xác định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trách nhiệm cụ thể của tập thể lãnh đạo, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, xác định khung năng lực, mô tả công việc theo vị trí việc làm; đổi mới công tác đánh giá, phân loại, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh các giải pháp về tài chính, ngân sách, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để tạo tiền đề vững chắc cho việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương mà trước hết là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp, bố trí người lao động; tiếp tục đổi mới, tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, coi đây là nhiệm vụ đột phá, tiên quyết làm tiền đề cho việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Các nhiệm vụ, giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp với nhiệm vụ chính trị được giao.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Cải cách chính sách tiền lương một cách khoa học, minh bạch, đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của bản thân và gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Từ năm 2018 đến năm 2020

a) Đối với khu vực công

- Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo ngành nghề.

- Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế theo kế hoạch.

b) Đối với khu vực doanh nghiệp

Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình người lao động.

2.2. Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

a) Đối với khu vực công

Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị theo quy định của Trung ương, cụ thể:

- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

[...]