ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 215/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 21
tháng 3 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN THÔNG BÁO SỐ 387/TB-HĐND.TT NGÀY 12/12/2023 CỦA HĐND TỈNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC TỪ NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH VÀ CÁC TỔNG
ĐỘI THANH NIÊN XUNG PHONG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thực hiện Thông báo số 387/TB-HĐND.TT ngày
12/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn
tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 về nội
dung công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường Quốc
doanh và các Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) trên địa bàn tỉnh; Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả
đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các Tổng đội TNXP trên địa bàn tỉnh Nghệ
An theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số
30-NQ/TW), Nghị định số 118/2014/ NĐ-CP ngày 17/12/2014 (được sửa đổi, bổ
sung tại Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12/01/2024) của Chính phủ (Nghị
định số 118/2014/ NĐ-CP), Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của
Quốc hội (Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13), Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày
07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 32/QĐ-TTg) và Thông
báo số 387/TB-HĐND.TT ngày 12/12/2023 của HĐND tỉnh.
- Cụ thể hóa trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp
tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, sử dụng đất
có nguồn gốc từ nông, lâm trường Quốc doanh và các Tổng đội TNXP trên địa bàn tỉnh
Nghệ An; kịp thời giải quyết những vấn đề tồn đọng, những khó khăn vướng mắc
trong thời gian qua nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm,
gây bức xúc trong nhân dân.
2. Yêu cầu
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và
các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của
pháp luật và nội dung tại Kế hoạch này để tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời,
hiệu quả các nhiệm vụ được giao, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng
các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra (Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành
cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan cần phân
công nhiệm vụ cụ thể cho Lãnh đạo phụ trách và nhiệm vụ chủ trì/phối hợp của
các phòng, đơn vị trực thuộc để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao,
trong đó phải xác định rõ tiến độ, thời gian thực hiện, hoàn thành, sản phẩm đầu
ra,...).
- Tăng cường, thực hiện hiệu quả công tác phối giữa
các sở, ban, ngành cấp tỉnh với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc là các nhiệm vụ phải được giải
quyết thông suốt, đảm bảo nhanh nhất, kịp thời nhất và đạt hiệu quả cao nhất;
có biện pháp để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có biểu hiện đùn đẩy, né
tránh hoặc giải quyết chậm các nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp tham mưu xử
lý.
II. MỤC TIÊU
1. Hoàn thành Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển,
nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp và kiện toàn, sắp
xếp các Tổng đội TNXP trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, cắm
mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện thủ tục
giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
theo quy định.
3. Hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận
cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đối với quỹ đất đã được UBND tỉnh thu hồi
từ các Công ty nông, lâm nghiệp và ban giao cho địa phương quản lý (đối với
quỹ đất đủ điều kiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
4. Hoàn thành việc rà soát quỹ đất hiện nay các
Công ty nông, lâm nghiệp, Tổng đội TNXP, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,
Vườn quốc gia được giao quản lý, để có phương án xử lý đối với diện tích sử dụng
không hiệu quả, không có nhu cầu sử dụng, không đúng mục đích sử dụng đất,...
5. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành pháp luật đối với các Công ty nông, lâm nghiệp, Tổng đội
TNXP, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia và UBND cấp huyện,
cấp xã trong việc quản lý sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng; giải quyết dứt
điểm tranh chấp đất đai ở cơ sở; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt
là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn,
giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài
chính đối với NSNN.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đối với quỹ đất do các Công
ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng
- Hoàn thành Đề án sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ
chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp theo
Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Nghị quyết số
112/2015/NQ-QH13 và Quyết định số 32/QĐ-TTg.
- Bố trí đủ kinh phí để đo đạc, lập hồ sơ ranh giới
sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với quỹ đất do các Công
ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện việc
rà soát phương án sử dụng đất, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh
của các Công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp đổi mới; lập hồ sơ giao đất, cho
thuê đất đối với quỹ đất trong phương án giữ lại để trình UBND tỉnh quyết định
làm cơ sở quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
- Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thực
hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai do các Công ty nông, lâm nghiệp
được giao quản lý sử dụng. Rà soát những khó khăn, vướng mắc; những quy định
còn chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất của các Công ty
nông, lâm nghiệp để tập trung giải quyết dứt điểm.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp
hành pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, nghĩa vụ tài chính,... ;
kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản
lý, sử dụng đất, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây mất an
ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Kiên quyết thu hồi đất đối với các Công ty
nông, lâm nghiệp không có nhu cầu sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, thực
hiện việc khoán trắng cho tổ chức, cá nhân khác, không thực hiện nghĩa vụ tài
chính,... để bàn giao về địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành Trung
ương về những khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền
để tháo gỡ giải quyết kịp thời và đề xuất đưa ra các mô hình hoạt động mới đối
với các Công ty nông, lâm nghiệp phù hợp với thực tiễn của đất nước hiện nay và
trong giai đoạn mới, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các Công ty
nông, lâm nghiệp, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng đất.
2. Đối với quỹ đất do Tổng đội
thanh niên xung phong quản lý
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý về mô hình tổ chức hoạt
động của Tổng đội TNXP, làm cơ sở để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo
quy định của pháp luật về đất đai.
- Bố trí đủ kinh phí để đo đạc, lập hồ sơ ranh giới
sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với quỹ đất được giao cho Tổng đội
TNXP.
- Thực hiện việc rà soát, đánh giá hiện trạng, hiệu
quả việc sử dụng đất của các Tổng đội TNXP, đề xuất phương án xử lý phù hợp,
đúng quy định của pháp luật hiện hành; nhất là quỹ đất của các Tổng đội TNXP
sau sáp nhập giải thể, nhằm quản lý chặt chẽ và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng
đất.
- Các đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm thực
hiện việc sử dụng đất đúng ranh giới, diện tích, mục đích được nhà nước giao đất;
thực hiện đúng phương án sử dụng đất; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất được
giao để kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.
- Các sở ban ngành và chính quyền địa phương thực
hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai do Tổng đội TNXP được giao quản
lý sử dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và
xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
3. Đối với quỹ đất do Ban quản
lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia quản lý, sử dụng
- Căn cứ vào quy hoạch 03 loại rừng, hiện trạng rừng
và kiến nghị của các địa phương, để thực hiện việc rà soát đánh giá đúng hiện
trạng rừng, từ đó làm cơ sở thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, đảm
bảo hài hòa mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc phát triển kinh tế
- xã hội tại địa phương.
- Bố trí đủ kinh phí để đo đạc, lập hồ sơ ranh giới
sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng
cơ sở dữ liệu địa chính đối với quỹ đất do Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc
dụng, Vườn quốc gia quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh.
- Các đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm thực
hiện việc sử dụng đất đúng ranh giới, diện tích, mục đích được nhà nước giao đất;
thực hiện đúng phương án bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên kiểm tra việc
sử dụng đất được giao để kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm
pháp luật.
- Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thực
hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai do Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng
đặc dụng, Vườn quốc gia được giao quản lý sử dụng; tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
4. Đối với quỹ đất thu hồi bàn
giao về địa phương quản lý, sử dụng
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động,
nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc
biệt khó khăn trong việc quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng
theo Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Nghị quyết số
112/2015/NQ-QH13 và Quyết định số 32/QĐ-TTg để nhân dân hiểu và chấp hành tốt
quy định của đảng và pháp luật của nhà nước. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện
vọng, kiến nghị đề xuất của nhân dân để kịp thời giải quyết nguyện vọng chính
đáng, mong muốn của nhân dân, nhằm đảm bảo ổn định sản xuất đời sống, để góp phần
đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội nhất là vùng sâu, vùng xa.
- Lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, làm căn cứ
để thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân
trên địa bàn, trong đó phải lưu ý giải quyết nhu cầu sử dụng đất cho các đối tượng
ưu tiên theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và các quy định khác liên
quan (đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản
xuất, người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất,...).
- Bố trí đủ kinh phí để xác định ranh giới, đo đạc
lập bản đồ địa chính, thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đối với quỹ đất này; giải quyết dứt điểm
khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất; đưa chỉ tiêu giao đất, cấp giấy chứng nhận vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng
hàng năm để đánh giá, xếp loại hàng năm.
IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện công tác
quản lý nhà nước về đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh;
các Tổng đội TNXP trên địa bàn tỉnh. Chủ trì phối hợp với các sở ban ngành cấp
tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển
khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này.
- Chủ trì tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường quản
lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty
nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số
118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá
nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết
định số 1319/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 và Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày
24/01/2022, trong đó:
+ Triển khai thực hiện lập hồ sơ ranh giới sử dụng
đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ
sở dữ liệu địa chính cho 11 Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (được UBND tỉnh
phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán tại Quyết định số 3518/QĐ-UBND ngày
10/11/2022), phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
+ Lập, trình UBND tỉnh phê duyệt Thiết kế kỹ thuật
- dự toán đối với 03 Tổng đội TNXP (Tổng đội 8, 9,10), 01 Vườn Quốc gia (Pù
Mát), 02 Khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Hoạt, Pù Huống) và Thiết kế kỹ thuật - dự
toán đối với đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh hiện do địa
phương quản lý hoặc hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.
- Đôn đốc, hướng dẫn các Công ty nông, lâm nghiệp
hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý để trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, cấp
giấy chứng nhận QSDĐ và thu hồi đất theo quy định; UBND cấp huyện lập phương án
sử dụng quỹ đất đã được UBND tỉnh thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý,
để thực hiện việc giao đất, cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Phối
hợp với cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của các Công ty
nông, lâm nghiệp.
- Phối hợp với các sở ban ngành liên quan, UBND cấp
huyện, các Công ty nông, lâm nghiệp, Tổng đội TNXP, Ban quản lý rừng phòng hộ,
rừng đặc dụng, Vườn quốc gia tiếp tục thực hiện rà soát quỹ đất được nhà nước
giao cho các đơn vị quản lý, để đề xuất phương án xử lý đối với diện tích đất sử
dụng không hiệu quả, không có nhu cầu sử dụng, không đúng mục đích sử dụng đất,...
- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kiến nghị đề xuất với
Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương bố trí, hỗ trợ kinh phí để triển khai thực
hiện, hoàn thành các nhiệm vụ quản lý đất đai và cơ chế chính sách, giải pháp đột
phá để giải quyết dứt điểm tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai có
nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường, thực hiện công tác thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với các Công ty nông, lâm nghiệp, Tổng
đội TNXP, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia; có biện pháp
để xử lý hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển
nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật,
không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Tham mưu, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành để
trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp đổi mới mô hình hoạt động của các Công
ty nông, lâm nghiệp còn lại để các đơn vị sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng
thời làm cơ sở cho việc lập hồ sơ xin giao, thuê đất theo quy định.
- Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động các mô hình
quản trị, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nông, lâm nghiệp sau khi
chuyển đổi mô hình, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, mô hình quản lý, sử dụng đất
của các Công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa
mô hình quản trị doanh nghiệp, sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất
giữ lại, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Hướng dẫn các Công ty nông, lâm nghiệp đổi mới
căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, theo hướng sản
xuất nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá
trị hàng hóa và trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp hiện đại;
ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đóng góp tích cực cơ cấu lại ngành nông
nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
- Kiểm tra, hướng dẫn giải quyết vướng mắc liên
quan đến các hợp đồng giao khoán đất nông, lâm nghiệp giữa các nông, lâm trường
(thuộc Công ty) trước đây với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để xử lý theo
đúng quy định của pháp luật (thanh lý, chấm dứt, điều chỉnh hợp đồng giao nhận
khoán,...) để làm cơ sở thực hiện việc giao đất, cho thuê đất với phần diện
tích các Công ty được giữ lại quản lý, sử dụng và tổ chức giao đất, cấp GCN QSD
đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đã được UBND thu hồi, bàn
giao về cho các địa phương quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến
các quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế giao khoán đất nông nghiệp. Hướng
dẫn thực hiện định mức kinh tế-kỹ thuật của cây trồng, vật nuôi; chính sách hỗ
trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số
98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và các quy định liên quan.
- Chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành và UBND cấp
huyện tiếp tục thực hiện và hoàn thành Đề án giao rừng, gắn với giao đất, cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng
đồng dân cư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của
UBND tỉnh (trong đó có diện tích đất đã được UBND tỉnh thu hồi bàn giao cho
địa phương).
- Chủ trì thực hiện rà soát diện tích rừng và đất
lâm nghiệp, cơ cấu 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh và tham mưu, đề nghị cấp có thẩm
quyền tích hợp vào Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
đến năm 2050; phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến quy hoạch sử dụng
đất lâm nghiệp để Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai rà soát ranh giới, diện
tích đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, tham mưu Cơ quan có thẩm quyền chuyển loại
rừng một phần từ “rừng phòng hộ” sang “rừng sản xuất” đảm bảo sự phù hợp với
Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
làm cơ sở để chuyển loại đất, thu hồi đất, bàn giao cho các địa phương tổ chức
giao đất cho nhân dân sản xuất, sử dụng nhằm ổn định đời sống (trong đó lưu
ý tại các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp,..).
- Tăng cường, thực hiện hiệu quả công tác thanh
tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đối với các
đơn vị được giao quản lý sử dụng rừng và các nội dung khác thuộc trách nhiệm của
ngành nông nghiệp.
3. Tỉnh đoàn Nghệ An
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm
hoàn thành Đề án tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh đoàn
(sáp nhập, giải thể các Tổng đội TNXP) làm cơ sở để thực hiện giao đất,
cho thuê đất cho đơn vị mới; lập hồ sơ thu hồi đất để bàn giao cho địa phương
quản lý quỹ đất dôi dư sau khi sáp nhập, giải thể các đơn vị theo đúng quy định
hiện hành.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý sử dụng
đất của các Tổng đội TNXP, việc giao nhận khoán đất giữa các Tổng đội TNXP với
các hộ đội viên tại các Tổng đội TNXP (nếu có) để xử lý đúng quy định.
4. Sở Tài chính
- Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí đủ kinh phí để
thực hiện các nhiệm vụ đo đạc lập hồ sơ địa chính, xác định ranh giới, mốc giới,
lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây
dựng cơ sở dữ liệu đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện
do các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp
khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản
công, đất đai theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các Nghị định
của Chính phủ: số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và số 67/2021/NĐ-CP ngày
15/7/2021; giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc và các nội dung khác có
liên quan thuộc trách nhiệm quản lý của ngành.
5. Sở Tư pháp
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
hướng dẫn, giải quyết vướng mắc liên quan đến việc thanh lý, chấm dứt, điều chỉnh
hợp đồng giao nhận khoán giữa các Nông, lâm trường (thuộc Công ty nông, lâm
nghiệp) với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trước đây đảm bảo quy định của
pháp luật và các nội dung khác khi các cơ quan liên quan có đề nghị.
6. Cục Thuế Nghệ An
Chủ trì thực hiện việc xác định tiền tiền thuê đất,
tiền sử dụng đất và các khoản thu khác theo đúng quy định của pháp luật, theo
dõi cập nhật kết quả thực hiện của các đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra việc
chấp hành nghĩa vụ thuế của các đơn vị sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông,
lâm trường (các khoản thu từ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất,...) để có
biện pháp xử lý theo quy định. Kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh những vấn đề,
nội dung vượt thẩm quyền để chỉ đạo xử lý.
7. Công an tỉnh Nghệ An
Chủ động nắm bắt địa bàn, đảm bảo an ninh, trật tự
trong trường hợp có phát sinh về khiếu kiện đông người, vượt cấp, có nguy cơ
gây mất trật tự công cộng; kịp thời phát hiện và báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo
giải quyết.
8. UBND cấp huyện (địa
phương có quỹ đất của các Công ty nông, lâm nghiệp, Tổng đội TNXP và Ban quản
lý rừng)
UBND cấp huyện chủ trì tổ chức thực hiện tốt các
nhiệm vụ, giải pháp nêu tại mục III.4 Kế hoạch này và các nhiệm vụ sau:
- Đối với quỹ đất đã được UBND tỉnh thu hồi, bàn
giao về cho địa phương quản lý: Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện do Chủ tịch
UBND huyện làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ
này; phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành việc giao đất, cấp GCN cho hộ gia đình,
cá nhân trên địa bàn. Trường hợp cần thiết đề xuất với HĐND cấp huyện đưa vào
chương trình giám sát hàng năm đối với nội dung này để giám sát, đánh giá kết
quả thực hiện. Rà soát lại toàn bộ quỹ đất để thống kê, phân loại cụ thể làm cơ
sở lập phương án sử dụng cho các loại đất; trong đó đối với quỹ đất lâm nghiệp
thuộc đối tượng là rừng tự nhiên khoanh nuôi bảo vệ, đất có rừng phòng hộ, đề
nghị huyện tổng hợp, lồng ghép vào Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp,
cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân để quản lý (Đề án được UBND tỉnh phê duyệt
tại Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018).
- Phối hợp với các sở ban ngành thực hiện tốt công
tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các Tổng
đội TNXP thuộc phạm vi địa bàn quản lý; tiếp tục thực hiện việc rà soát quỹ đất
của các Công ty nông, lâm nghiệp, Tổng đội TNXP, Ban quản lý rừng thuộc địa bàn
quản lý để đề xuất UBND tỉnh thu hồi diện tích đã giao không phù hợp thực tế sử
dụng, diện tích sử dụng không hiệu quả, diện tích đất hiện nay các hộ gia đình,
cá nhân đã và đang sử dụng ổn định vào mục đích đất ở từ trước đến nay (phù
hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới,...) để bàn giao cho địa
phương quản lý, xây dựng phương án sử dụng đất đúng quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường trên địa bàn quản lý
và quỹ đất sau khi thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý. Chủ trì xử lý khó
khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời dứt điểm các vụ việc tranh chấp đất đai,
khiếu nại thuộc thẩm quyền, tuyệt đối không để kéo dài và phát sinh các điểm
nóng liên quan đến đất đai ở cơ sở. Chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, các sở
ban ngành những nội dung vượt thẩm quyền để giải quyết kịp thời.
- Phối hợp tổ chức kiểm tra rà soát để giải quyết dứt
điểm các trường hợp tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trong
phạm vi đất, rừng do các Công ty nông, lâm nghiệp, Tổng đội TNXP quản lý.
9. Các Công ty nông, lâm nghiệp,
Tổng đội TNXP và Ban quản lý rừng
- Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động
theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, khẩn trương lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất
theo Phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trường hợp hiện trạng,
mục đích sử dụng, diện tích sử dụng đất có sai khác so với Phương án đã phê duyệt
trước đây, thì đề xuất điều chỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh
phương án, làm cơ sở để thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của
pháp luật.
Thời hạn hoàn thành lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất
(đối với các đơn vị đã thực hiện đo đạc lập hồ sơ địa chính, xác định được
ranh giới mốc giới) trong năm 2024.
- Quản lý, sử dụng đất đúng ranh giới, diện tích, mục
đích được nhà nước giao đất, cho thuê đất; thực hiện đúng phương án sản xuất
kinh doanh; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất được giao để kịp thời phát
hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
- Rà soát lại toàn bộ quỹ đất đã có quyết định thu
hồi của UBND tỉnh giao địa phương quản lý để thực hiện việc thanh lý, chấm dứt
hợp đồng giao nhận khoán với các hộ gia đình, cá nhân (trước đây), làm cơ sở để
UBND cấp huyện lập phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia
đình, cá nhân trên địa bàn theo quy định.
- Tiếp tục rà soát quỹ đất đã được UBND tỉnh giao
quản lý, nhưng hiện nay không có nhu cầu sử dụng, diện tích đất giao không phù
hợp thực tế, diện tích đất sử dụng không có hiệu quả, đất bị lấn chiếm,... để đề
xuất UBND tỉnh thu hồi, bàn giao địa phương quản lý theo thẩm quyền.
- Thực hiện việc kê khai, nộp tiền sử dụng đất, tiền
thuê đất kịp thời, đầy đủ đúng quy định vào ngân sách nhà nước theo thông báo của
cơ quan Thuế đối với phần diện tích đất được giao quản lý sử dụng.
- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở ban ngành
liên quan và chính quyền địa phương để thực hiện công tác đo đạc lập hồ sơ địa
chính, xác định ranh giới, mốc giới, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo tiến độ
đề ra.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành
cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có liên quan, Thủ trưởng các cơ quan
đơn vị, tổ chức sử dụng đất theo chức năng nhiệm vụ được phân công tổ chức triển
khai thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Kế hoạch này, chịu trách nhiệm trước
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Định
kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo về kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi
trường) trước ngày 10/6 và 01/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối
hợp với các sở ban ngành và UBND các huyện, thị xã theo dõi, tổng hợp kết quả
thực hiện, để trình UBND tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/cáo);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành phân công tại KH này (để t/h);
- UBND các huyện, thị xã có liên quan (để t/h);
- Các Đơn vị quản lý, sử dụng đất (để t/h);
- Lưu: VT, NN (X.Hùng).
|
T/M ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Đệ
|