Kế hoạch 263/KH-UBND năm 2018 về duy trì và nâng cao tiêu chí, chỉ tiêu đối với xã đã đạt chuẩn "xã nông thôn mới" đến năm 2020 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 263/KH-UBND
Ngày ban hành 25/05/2018
Ngày có hiệu lực 25/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 263/KH-UBND

An Giang, ngày 25 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

DUY TRÌ VÀ NÂNG CAO CÁC TIÊU CHÍ, CHỈ TIÊU ĐỐI VỚI CÁC XÃ ĐÃ ĐẠT CHUẨN “XÃ NÔNG THÔN MỚI” ĐẾN NĂM 2020

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Kết quả thực hiện:

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 10 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Thủ tướng Chính phủ đã triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước từ năm 2010 và ban hành hệ thống cơ chế chủ trương, chính sách, hướng dẫn tương đối đồng bộ về xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 07 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự chung sức của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại An Giang đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Nông nghiệp phát triển khá theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, tập trung huy động nhiều nguồn lực triển khai Chương trình. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên, dân chủ được phát huy; an ninh - chính trị, trật tự xã hội địa bàn nông thôn được giữ vững; niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên.

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh An Giang, ngày 28/11/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3379/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 gồm 19 tiêu chí và 49 chỉ tiêu, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Trên cơ sở Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 27/3/2017 của UBND tỉnh ban hành hướng dẫn phương pháp xác định, đánh giá mức độ đạt tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã đã rà soát, cập nhật đánh giá theo Quyết định số 3379/QĐ-UBND ngày 28/11/2016 của UBND tỉnh.

Tính đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh đã có 33/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” (chiếm 27,32%), 7 xã đạt 15-18 tiêu chí, 44 xã đạt 10-14 tiêu chí, 34 xã đạt 5-9 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 12,9 tiêu chí/xã và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Trong đó:

- Năm 2017: Có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của Quyết định 3379/QĐ-UBND ngày 28/11/2016;

- Giai đoạn 2011-2016: Có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của Quyết định 2361/QĐ-UBND ngày 15/11/2013.

Đối với 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2016, thời gian qua các địa phương đã tiếp tục rà soát, cập nhật đánh giá theo bộ tiêu chí mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân tiếp tục tham gia, duy trì nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đạt theo quy định mới. Tuy nhiên, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố cập nhật đánh giá theo bộ tiêu chí của Quyết định số 3379/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, đến cuối năm 2017, chỉ có 07/21 xã giữ vững, duy trì nâng chất theo bộ tiêu chí mới, cụ thể:

- Có 07 xã giữ vững 19 tiêu chí gồm: Vĩnh Phú, Vĩnh Trạch, Thoại Giang - huyện Thoại Sơn; Vĩnh Châu, Vĩnh Tế - Thành phố Châu Đốc; Long An - thị xã Tân Châu; Núi Voi - huyện Tịnh Biên;

- Có 03 xã đạt 18 tiêu chí gồm: Xã Khánh An - huyện An Phú; Phú Bình - huyện Phú Tân và xã Kiến Thành - huyện Chợ Mới;

- Có 07 xã đạt 17 tiêu chí gồm: Bình Chánh - huyện Châu Phú; Vĩnh Nhuận - huyện Châu Thành; xã Long Điền A, Long Điền B - huyện Chợ Mới; Vĩnh Gia - huyện Tri Tôn; Mỹ Hòa Hưng và Mỹ Khánh - TP. Long Xuyên;

- Có 2 xã đạt 16 tiêu chí gồm: Xã Bình Thủy và Mỹ Đức - huyện Châu Phú;

- Có 01 xã đạt 15 tiêu chí gồm: Xã Tân Hòa - huyện Phú Tân;

- Có 01 xã đạt 14 tiêu chí: Xã Vĩnh Thành - huyện Châu Thành.

(Chi tiết xem phụ lục 1 đính kèm)

2. Nguyên nhân các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt:

a) Nguyên nhân khách quan

- Năm 2017 là năm đầu tiên triển khai Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu thay đổi do với Bộ tiêu chí cũ nên dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình xác định đánh giá mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới của xã.

- Một số nội dung tiêu chí, chỉ tiêu hoàn toàn mới:

+ Tiêu chí 13 về Tổ chức sản xuất: Theo yêu cầu của tiêu chí mới xã phải có HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, các xã được công nhận từ năm 2016 về trước chỉ cần có Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả thì đã đạt yêu cầu tiêu chí.

+ Chỉ tiêu 17.8 về Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, đây là chỉ tiêu mới liên quan đến 03 ngành gồm y tế, nông nghiệp, công thương dẫn đến các xã lúng túng trong khâu xác định, cập nhật số liệu và hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ minh chứng theo yêu cầu.

+ Chỉ tiêu 18.5 về chuẩn tiếp cận pháp luật, năm 2017 là năm đầu tiên triển khai chuẩn tiếp cận pháp luật, bên cạnh đó do Trung ương thay đổi bộ tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật dẫn đến việc lúng túng trong triển khai cho địa phương và cập nhật hồ sơ minh chứng.

+ Chỉ tiêu 18.6 về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, theo yêu cầu của chỉ tiêu xã phải có nữ lãnh đạo chủ chốt và có mô hình nhà tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình hay bạo hành về giới, 100% phụ nữ nghèo được vay vốn…

+ Chỉ tiêu 19.1 về lực lượng dân quân vững mạnh rộng khắp và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng, các xã đã thực hiện chỉ tiêu này trước khi được đưa vào bộ tiêu chí nông thôn mới, hiện tại chỉ cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ minh chứng thì có thể đạt chỉ tiêu này.

[...]