Kế hoạch 214/KH-UBND năm 2021 về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 214/KH-UBND
Ngày ban hành 01/11/2021
Ngày có hiệu lực 01/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Phạm Văn Thành
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 214/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 01 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 300/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 4758/TTr-SNNPTNT ngày 08/10/2021; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, tạo sự đột phá và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 3,5 - 5%;

- Tập trung đầu tư cho các vùng có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa, theo phương thức thâm canh; rà soát, bố trí quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi, tích hợp vào quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo sinh kế của người nông dân;

- Đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh Quảng Ninh;

- Tăng tỷ trọng đóng góp của công nghệ cao trong ngành chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đến người chăn nuôi;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại, làm chủ thể để liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị;

- Tranh thủ tối đa những hỗ trợ từ cơ chế chính sách và đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm để phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo chăn nuôi có hiệu quả cao và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2021 - 2025

a) Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 3,5 đến 4,5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt trên 60%.

- Đàn trâu ổn định 32,9 ngàn con, trong đó 20% được nuôi trong trang trại; đàn bò 40 ngàn con, trong đó tối thiểu 70% được nuôi trong trang trại; đàn lợn 420 ngàn con, trong đó tối thiểu 70% được nuôi trong trang trại; đàn gia cầm 5,1 triệu con, trong đó tối thiểu 70% được nuôi trong trang trại.

b) Sản lượng thịt hơi đến năm 2025 đạt 124,3 nghìn tấn; sản lượng trứng đạt 148,3 triệu quả; sản lượng sữa đạt 2.612 tấn.

c) Mỗi địa phương có ít nhất 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, dần xóa bỏ tình trạng giết mổ nhỏ lẻ; tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 70% vào năm 2025.

d) Xây dựng các chuỗi liên kết 04 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh: lợn, bò thịt, bò sữa, gà.

d) Xây dựng ít nhất 01 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện.

2.2. Định hướng đến năm 2030

a) Mức tăng trưởng giả trị sản xuất giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm.

Đàn trâu ổn định 33 nghìn con, trong đó 25% được nuôi trong trang trại; đàn bò 65 nghìn con, trong đó khoảng 80% được nuôi trong trang trại; đàn lợn 550 nghìn con, trong đó đàn lợn nái đạt 54 nghìn con, nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 80%; đàn gia cầm đạt 6,1 triệu con, trong đó trên 80% được nuôi theo phương thức công nghiệp.

b) Tổng sản lượng thịt hơi, trứng gia cầm: Đến năm 2030 dự kiến tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 160,5 nghìn tấn; sản lượng trứng đạt 163,8 triệu quả, sản lượng sữa đạt 5.000 tấn.

c) Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 02 trung tâm sản xuất giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, đáp ứng 100% nhu cầu giống trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh ngoài. Xây dựng cơ sở sản xuất giống tại Đông Triều, Đầm Hà, Móng Cái.

d) Xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh; tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước, như: bã, men bia, vỏ đầu tôm, đầu cá và sản phẩm của công nghệ ép dầu từ đậu nành.

e) Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2030 ít nhất có 02 vùng cấp huyện được cấp chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

f) Giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: Phấn đấu đến năm 2030,100% gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung theo hướng công nghiệp.

g) Kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, nhất là kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ