Kế hoạch 208/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 208/KH-UBND
Ngày ban hành 02/07/2018
Ngày có hiệu lực 02/07/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Quốc Khánh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 02 tháng 07 năm 2018

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2018/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2018 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 19-2018); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động với những nội dung sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết số 19-2014, Nghị quyết số 19-2015, Nghị quyết số 19-2016, Nghị quyết số 19-2017 của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh; các ngành, địa phương đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và vai trò vị trí của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào việc thực hiện Nghị quyết số 19-2018 và tiếp tục kỳ vọng vào những thay đổi, cải cách của Trung ương và của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết.

Năm 2017, Chỉ số PCI của Hà Tĩnh đạt 61,99 điểm, xếp thứ 33 toàn quốc, tăng 06 bậc so với năm 2016 và là năm thứ 2 liên tiếp tăng thứ hạng (năm 2016 cũng tăng 06 bậc, xếp thứ 39). Nếu so sánh về cải thiện chỉ số PCI gốc (2006) thì Hà Tĩnh thuộc tốp đầu, đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau Bạc Liêu), cho thấy chất lượng điều hành của chính quyền liên tục được cải thiện qua các năm từ năm 2006 lại nay, được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư ghi nhận. Đạt được kết quả trên trong bối cảnh năm 2016 và năm 2017 tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (sự cố môi trường, các đợt bão lũ thiên tai, sâu, bệnh dịch hại,...) và với sự cạnh tranh quyết liệt của các địa phương khác đã phản ánh nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

2. Tồn tại hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mặc dù chuyển biến tích cực nhưng chưa tạo được bước đột phá; Chỉ số PCI 2017 của Hà Tĩnh vẫn còn 04 Chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2016 (chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí về thời gian; cạnh tranh bình đẳng). Một số chỉ số thành phần xếp thứ hạng thấp so với cả nước: Chỉ số Gia nhập thị trường (xếp thứ 46), Chi phí không chính thức (xếp thứ 46), Tiếp cận đất đai (xếp thứ 47), Chi phí thời gian (xếp thứ 57), Cạnh tranh bình đẳng (xếp thứ 63).

- Sự phối hợp thực hiện giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính còn thiếu đồng bộ; hoạt động của bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” tuy đã đi vào nề nếp nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

- Chất lượng, thái độ của một bộ phận đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại các bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành cũng như việc thực hiện các thủ tục hành chính điện tử chưa được thực hiện rộng rãi ở các ngành, các cấp.

3. Nguyên nhân tồn tại hạn chế

- Thời gian qua kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, sự cố môi trường, các đợt bão lũ thiên tai, sâu bệnh dịch hại... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh.

- Người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị còn thiếu trách nhiệm, đứng ngoài cuộc, xem nhẹ nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI; xem đây là nhiệm vụ của lãnh đạo tỉnh và của các cơ quan tham mưu kinh tế tổng hợp; dẫn đến chưa chủ động, quyết liệt trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Một số cán bộ làm việc tại các bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” được thuyên chuyển từ các bộ phận khác chưa được đào tạo chuyên sâu và kỹ năng cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mới. Một số cán bộ chưa nhận thức đúng đắn về vai trò trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, còn có biểu hiện gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

- Cải cách hành chính chưa đáp ng yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu về trao đổi thông tin và xử lý thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

- Công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra giữa các ngành, các cấp chưa tốt dẫn đến có lúc doanh nghiệp phải làm việc với nhiều đoàn kiểm tra, nội dung trùng lặp.

- Doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế, yếu kém cả về quy mô, trình độ và khả năng cạnh tranh, hội nhập, hoạt động sản xuất kinh doanh đang còn gặp nhiều khó khăn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết 19-2018; phù hợp chức năng nhiệm vụ Chính phủ giao cho địa phương và tình hình thực tế của tỉnh.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đơn giản hóa, công khai thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh; cải thiện điểm số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp, phát huy các điểm số đã đạt được ở mức cao, tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tiếp theo.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đơn giản hóa, hiện đại hóa các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” từ cấp tỉnh đến địa phương; tăng cường sự phối hợp liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm giảm tối đa về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

- Nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ điện tử đối với các lĩnh vực thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp; tăng cường thực hiện liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, tài nguyên môi trường, quy hoạch, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy.

- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận thông tin tín dụng, đất đai, thông tin quy hoạch... giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phn kinh tế.

[...]