Kế hoạch 2042/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 2042/KH-UBND
Ngày ban hành 02/11/2022
Ngày có hiệu lực 02/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2042/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2023

Phần I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2022

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI VÀ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

1. Tình hình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Theo Cục Thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh tính đến ngày 27/9/2022, như sau:

- Đàn trâu: 33.680 con, đạt 102,06% so với KH, giảm 0,03% so với cùng kỳ;

- Đàn bò: 104.250 con, đạt 94,77% so với KH, giảm 0,7% so với cùng kỳ;

- Đàn lợn: 275.860 con, đạt 96,79% so với KH, tăng 12,31 % so với cùng kỳ;

- Đàn gia cầm: 4.785.000 con, đạt 99,69% so với KH, tăng 9,12% so với cùng kỳ.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7.303 ha, bằng 110,8% so với cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 1.692,4 ha (tôm các loại 1.484,4 ha; cua, cá nước lợ 208 ha), bằng 106,6% so cùng kỳ; diện tích nuôi nước ngọt 5.610,6 ha, bằng 112,1% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.261,6 tấn, bằng 102,6% so cùng kỳ.

2. Tình hình dịch bệnh

2.1. Dịch bệnh gia súc, gia cầm

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021 giảm nhiu về số ổ dịch và số lượng gia súc, gia cầm mắc bệnh, tiêu hủy, cụ thể:

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 23 xã thuộc 4 huyện làm 1.644 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với trọng lượng là 106.133 kg, giảm 14 xã có dịch và 267 con lợn buộc tiêu hủy so với cùng kỳ năm 2021.

- Bệnh Lở mồm long móng xảy ra ở 3 xã thuộc huyện Bố Trạch làm 65 con trâu, bò mắc bệnh, không có trâu, bò chết do bệnh, giảm 01 xã có dịch và 50 con trâu, bò mắc bệnh so với cùng kỳ năm 2021.

- Bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở 02 xã của huyện Lệ Thủy làm 7.100 con gia cầm mắc bệnh, buộc tiêu hủy (4.100 con gà và 3.000 con vịt), cao hơn 2 ổ dịch so với cùng kỳ (Năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh Cúm gia cầm).

- Bệnh Dại động vật: toàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch bệnh Dại trên động vật. Tuy nhiên, theo báo cáo từ cơ quan y tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 03 trường hợp người tử vong do bệnh Dại chó (Tuyên Hóa 02 người, Lệ Thủy 01 người). Nguyên nhân, do chó (cắn người) chưa được tiêm phòng, người sau khi bị chó cắn không tiêm vắc xin, không khai báo cho cơ quan y tế, cơ quan thú y.

Đến nay, cơ bản các ổ dịch đã được bao vây, khống chế kịp thời, không phát sinh thêm. Riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, vẫn còn phát sinh nhỏ lẻ, hiện toàn tỉnh còn 01 ổ dịch tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa chưa qua 21 ngày.

2.2. Dịch bệnh thủy sản

Trong 9 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên tôm xảy ra tại 21 hộ ở 5 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã (Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch) với tổng diện tích bị bệnh là 11,93ha, trong đó diện tích bị bệnh Đốm trắng 11,61 ha; diện tích bị bệnh Vi bào tử trùng 0,32ha, tăng hơn 4,3 lần diện tích bị bệnh so với cùng kỳ.

3. Một số khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái phát tại các địa phương do mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, bệnh đã có vắc xin nhưng đang giai đoạn thử nghiệm, chưa được thương mại hóa; chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; việc tăng đàn, tái đàn lợn nhưng chưa đảm bảo điều kiện, đặc biệt là tại các địa phương đã xảy ra dịch bệnh.

- Bệnh Lở mồm long móng xảy ra rải rác ở một số xã của huyện Bố Trạch do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp, bệnh không gây chết trâu, bò nên người dân chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.

- Kết quả tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 1/2022 và dự ước trong đợt 2/2022 đạt tỷ lệ thấp, chưa đạt kế hoạch do các loại vắc xin hầu hết là vắc xin thương mại nên người chăn nuôi ít đầu tư tiêm phòng; một số địa phương không có cán bộ thú y, thiếu nhân lực trong quá trình triển khai thực hiện.

- Ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản còn hạn chế, khi dịch bệnh xảy ra người dân tự xử lý hoặc xử lý với nồng độ không đúng quy định; không báo cáo với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong quá trình nắm bắt số liệu và quản lý công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các ổ dịch bệnh động vật tại các địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát giết mổ, mua bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, từ địa bàn này qua địa bàn khác làm lây lan dịch bệnh; việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh chưa đúng quy định, nguyên nhân do một số cơ quan cấp huyện thiếu cán bộ có chuyên ngành chăn nuôi và thú y; một số nơi chức năng thú y do cán bộ không có chuyên môn kiêm nhiệm.

[...]