Kế hoạch 203/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 203/KH-UBND
Ngày ban hành 01/06/2023
Ngày có hiệu lực 01/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 01 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2023-2025

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ/TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoan 2021-2025; Quyết định số 04/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ngày 12/10/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoan 2021-2025; Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Công văn số 8050/BNN-VPĐP ngày 29/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn triển khai một số chương trình chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2023-2025, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đồng bộ, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn; phát huy giá trị truyền thống, văn hoá của mỗi vùng miền; đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân OCOP làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, để liên kết, dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu của thị trường, từ đó tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

2. Yêu cầu

Các Sở, ngành, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, đơn vị, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp để triển khai thực hiện. Chủ động và phối hợp, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện; ưu tiên đưa nội dung Chương trình OCOP vào chương trình công tác trọng tâm hàng năm của địa phương, đơn vị để thực hiện có hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển sản phẩm OCOP để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng cộng đồng với sự tự nguyện tham gia của người dân để khai thác các tiềm năng, lợi thế thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, thương mại hóa sản phẩm, phát triển nông thôn bền vững, thực hiện thành công tỉnh nông thôn mới.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- Đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.

- Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

- Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,...); phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đảm bảo Quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 4086/QĐ-UBND ngày 01/12/2020.

III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện

a) Phạm vi về không gian: Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm cả khu vực nông thôn và đô thị.

b) Phạm vi về thời gian: Chương trình OCOP được triển khai thực hiện đến hết năm 2025.

2. Đối tượng thực hiện

a) Chủ thể thực hiện: Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.

b) Sản phẩm: Gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm:

- Nhóm thực phẩm, gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác.

- Nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.

- Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.

- Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren,... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ