Quyết định 2114/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2114/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/12/2020
Ngày có hiệu lực 16/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2114/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG TỈNH HÀ TĨNH ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 7867/TTr-BNN-VPĐP ngày 11 tháng 11 năm 2020 về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”, với những nội dung chính sau đây:

1. Tên Đề án: “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”.

2. Địa bàn thực hiện: Tỉnh Hà Tĩnh.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2025.

4. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần, vai trò chủ thể và vị thế của cư dân nông thôn được nâng cao; kinh tế nông thôn phát triển; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nông thôn văn minh, đoàn kết, bình yên, giàu bản sắc. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh được công nhận là “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”;

- Thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở thực tiễn nghiên cứu, xây dựng, ban hành các tiêu chí quốc gia về tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới để triển khai trên toàn quốc.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;

- Huyện Nghi Xuân đạt nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch;

- 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025;

- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người. Ngành nông, lâm và thủy sản chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm (2021 - 2025). Có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% số sản phẩm đạt 5 sao;

- 100% số di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả; 100% số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phổ biến trong cộng đồng; có ít nhất 01 di sản trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng Bắc Trung Bộ;

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn bình quân chung của vùng Bắc Trung Bộ;

- Có 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; 35% số hộ gia đình có biện pháp thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp; 55% số người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, trong đó ít nhất 50% số người dân sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung; các nguồn phát sinh ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được quản lý;

- Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn hệ thống 03 cấp (tỉnh, huyện, xã); tỷ lệ thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 75%; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt loại khá; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 85%.

5. Nhiệm vụ trọng tâm:

a) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để phấn đấu đạt chuẩn và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, huyện:

(1) Đối với cấp xã:

- Nhóm xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (25 xã): Ưu tiên nguồn lực để 25 xã (huyện Hương Khê: 11 xã; huyện Kỳ Anh: 07 xã; huyện Hương Sơn: 05 xã; thị xã Kỳ Anh: 02 xã) hoàn thành các nội dung, tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023;

[...]