Kế hoạch 2025/KH-UBND năm 2104 truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 2025/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2014
Ngày có hiệu lực 24/06/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Võ Văn Minh
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2025/KH-UBND

Bình Dương, ngày 24 tháng 06 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG, PHỔ BIẾN VỀ CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Quyết định số 2281/QĐ-BTP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Bình Dương”, Quyết định số 485/QĐ-BTP ngày 03/03/2014 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại và Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 10/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương, các cơ quan, tổ chức và nhân dân về chủ trương, chính sách thí điểm chế định Thừa phát lại của Đảng và Nhà nước; về vị trí, vai trò, ý nghĩa và những nội dung chủ yếu của chế định Thừa phát lại cũng như nhũng kết quả đạt được và những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại.

- Tăng cường sự hiểu biết và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với loại hình dịch vụ này; thu hút nhân dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Yêu cầu

- Việc truyền thông, phổ biến phải bảo đảm tính liên tục, kịp thời trong suốt thời gian thực hiện thí điểm, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết với từng nội dung, hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú, thiết thực, phù hợp.

- Nội dung truyền thông, phổ biến bám sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xã hội hóa một số hoạt động tư pháp và thí điểm chế định Thừa phát lại.

- Hoạt động truyền thông, phổ biến được triển khai ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Huy động sự tham gia của toàn xã hội, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong hoạt động truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nội dung truyền thông, phổ biến

- Vị trí, vai trò, ý nghĩa, những tác động tích cực và sự cần thiết của Thừa phát lại trong đời sống pháp lý hiện nay; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Thừa phát lại và các quy định pháp luật, các văn bản liên quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại;

- Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thừa phát lại; cơ chế hoạt động, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn;

- Tình hình và kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn triển khai thực hiện thí điểm chế định này; quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp cũng như cách thức sử dụng dịch vụ Thừa phát lại.

2. Hình thức và biện pháp truyền thông, phổ biến

a) Tổ chức quán triệt các nội dung, văn bản về chế định Thừa phát lại; chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Đảng và Nhà nước.

- Nội dung thực hiện: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, diễn đàn… về chế định Thừa phát lại để thống nhất nhận thức về chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Đảng và Nhà nước cho cấp ủy; các sở, ban, ngành; đoàn thể các cấp; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.

b) Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Nội dung thực hiện: Đăng các bài viết, tin tức, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục hoặc phát sóng các chương trình giới thiệu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của chế định Thừa phát lại, việc triển khai thí điểm chế định này trên địa bàn tỉnh và giới thiệu chuyên sâu về chế định Thừa phát lại trên báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng khác.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan, cụ thể:

+ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường truyền thông, phổ biến về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của chế định Thừa phát lại và việc triển khai thí điểm chế định này trên địa bàn tỉnh.

[...]