Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình hành động 51-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 200/KH-UBND
Ngày ban hành 17/06/2024
Ngày có hiệu lực 17/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Lưu Trung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 17 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 51-CTR/TU NGÀY 19/3/2024 CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43-NQ/TW NGÀY 24/11/2023 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TA NGÀY CÀNG PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

Thực hiện Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 19/3/2024 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XVII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW và Chương trình hành động số 51-CTr/TU nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

- Tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, ý chí tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, hài hoà và bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

- Làm cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Chương trình hành động số 51-CTr/TU.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và Chương trình hành động số 51-CTr/TU phải nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, sát với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Xác định các nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp cụ thể đối với các cấp, các ngành bảo đảm thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tỉnh ủy về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

- Trong quá trình thực hiện phải phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc với Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

a) Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức, thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển tỉnh Kiên Giang.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình văn hóa, nghệ thuật; phối hợp đồng bộ giữa thông tin đối nội và đối ngoại trong tuyên truyền về đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu, hình ảnh Kiên Giang phát triển.

c) Kịp thời nắm bắt và giải quyết tốt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, động viên Nhân dân tích cực phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

d) Thực hiện tốt đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và trong Nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Kiên Giang

a) Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

- Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết xử lý việc lợi dụng tổ chức của người lao động để xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự.

- Chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất, kinh doanh cho nông dân; tạo điều kiện cho nông dân tham gia và là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn.

- Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, có cơ cấu hợp lý; là nhân tố quan trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, phát triển tỉnh nhà trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ tài năng. Có chính sách thu hút, trọng dụng trí thức, đội ngũ chuyên gia phục vụ phát triển, nhất trên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Phát huy vai trò tư vấn, phản biện của các hội khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật chuyên ngành và đội ngũ trí thức đối với các đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

- Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng; có trí tuệ, năng lực quản trị kinh doanh, năng động sáng tạo, có đạo đức cách mạng và văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách và tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư trong tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương về nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển kinh tế tư nhân. Phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong đoàn kết, tập hợp doanh nghiệp đầu tư, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 48-CTr/TU, ngày 22/12/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

- Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng cống hiến, nêu cao trách nhiệm đối với đất nước, xã hội. Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thế hệ trẻ phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thanh niên thi đua học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, làm chủ kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại, xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ, bình đẳng giới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ; xây dựng phụ nữ có tri thức, đạo đức, sức khỏe, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Thực hiện tốt các chương trình phát triển, các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, cựu chiến binh; phát động các phong trào thi đua phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống hội viên, cựu chiến binh.

- Tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy uy tín, kinh nghiệm trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tích cực vận động đa dạng các nguồn lực để thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi cô đơn, tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui - khỏe - hạnh phúc. Đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao, gương sáng”, khuyến khích người cao tuổi tích cực tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh, trật tự, đóng góp vào sự phát triển của các địa phương, đơn vị và của tỉnh.

[...]