Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 20/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 20/KH-UBND
Ngày ban hành 25/01/2022
Ngày có hiệu lực 25/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Ngọc Châu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TU NGÀY 28/12/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG SỞ, VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 28/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện với các nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Cụ thể hóa việc tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 28/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 17).

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân đối với việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp nhằm thực hiện thành công các nội dung của Chỉ thị 17, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

- Xây dựng hệ thống cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa với phương pháp điều hành khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có ý thức tổ chức kỷ luật đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào công việc; phong cách giao tiếp, ứng xử chuẩn mực.

- Xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết; văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân với ý thức thượng tôn pháp luật, giữ gìn chữ tín, thương hiệu của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững.

2. Yêu cầu:

- Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị sâu rộng, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể; lồng ghép việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp với các phong trào thi đua, nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương.

- Nội dung Kế hoạch phải thiết thực, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể triển khai phổ biến, quán triệt Chỉ thị và các văn bản liên quan đến văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông và thông tin đại chúng.

2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp

- Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị và các quy định, quyết định của Trung ương và của tỉnh về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp; ban hành các văn bản cụ thể hóa về nhiệm vụ xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp.

- Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, các nội quy, quy chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thực hiện tốt quy chế dân chủ.

- Đưa việc xây dựng, giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp vào việc xét thi đua hàng năm của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11).

3. Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nhân, người lao động

- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nhân, người lao động. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp.

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông).

- Quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nhân, người lao động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ.

4. Đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL ngày 24/9/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đẩy mạnh việc đăng ký, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên phạm vi toàn tỉnh.

- Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành, tác nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

[...]