Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2023 về Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 198/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2023
Ngày có hiệu lực 11/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Nguyễn Văn Hòa
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 198/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 11 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐƯỜNG THỦY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo;

Căn cứ Kế hoạch số 1983/KH-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh về việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

- Khai thác và phát huy lợi thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn tỉnh để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, cung cấp cho thị trường sản phẩm du lịch mới, tăng trải nghiệm cho khách khi đến Hậu Giang.

- Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy, hình thành dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tỉnh Hậu Giang.

- Xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh; đầu tư hạ tầng, dịch vụ, điểm đến trên tuyến du lịch thủy nội địa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hoá, lịch sử phục vụ phát triển du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

2. Yêu cầu

- Phát triển du lịch đường thủy phải gắn với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Phát triển du lịch đường thủy phải phù hợp với Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tỉnh Hậu Giang.

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo tập trung, thiết thực và hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

- Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy, hình thành dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tỉnh Hậu Giang.

- Phấn đấu đến năm 2024: Khai thác du lịch đường thủy tuyến kênh xáng Xà No; đầu tư xây dựng 01 bến tàu; bến hành khách trên tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy; phát triển 02 tàu du lịch phục vụ khách du lịch.

- Phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030: Xây dựng 02 bến tàu trên tuyến kênh xáng Xà No và tuyến dọc sông Hậu, hình thành đội tàu phục vụ khách du lịch trên tuyến du lịch đường thủy; liên kết các tuyến du lịch đường thủy với các tỉnh, thành lân cận như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang...

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phát triển các sản phẩm du lịch a) Tuyến du lịch kênh xáng Xà No

- Giai đoạn đầu khai thác tuyến du lịch kênh xáng Xà No trong nội ô thành phố Vị Thanh, với lộ trình: Bến xuất phát (bến trước Khách sạn Bông Sen) đi qua Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện - Cầu Xà No - Trụ sở Tỉnh ủy - Cầu 30/4 - Cầu Đoàn Kết - Chợ Vị Thanh - đến Cầu Mười Thước tàu quay về bến xuất phát.

- Kết hợp tham quan các điểm trên tuyến du lịch kênh xáng Xà No như: Chợ Vị Thanh, di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình, vùng khóm Cầu Đúc, vườn dâu Bé Hai, vườn dâu Má Ba, trải nghiệm trang trại sữa dê Ngọc Đào, nghỉ ngơi, vui chơi tại Homestay Mương Đình, các điểm du lịch sinh thái, vườn trái cây....

- Liên kết, khai thác các tour, tuyến du lịch đường thủy với thành phố Cần Thơ (chợ nổi Cái Răng, khu du lịch sinh thái Ông Đề, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh...), Kiên Giang (Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc) gắn kết với các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Châu thành A, huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

- Mở rộng, kết nối tuyến Sài Gòn - Cà Mau (qua kênh Xà No); tuyến qua Rạch Giá (sông Cái Lớn đến ngã ba sông Cái Tư - kênh Tắt Cây Trâm).

[...]