Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 198/KH-UBND
Ngày ban hành 21/08/2020
Ngày có hiệu lực 21/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 198/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 21 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EVFTA) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Công văn số 6066/BCT-ĐB ngày 17/8/2020 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA và các văn bản thông báo hướng dẫn thực thi cam kết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có hiệu quả EVFTA và Kế hoạch thực hiện EVFTA được phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Tỉnh hiểu về tầm quan trọng và sự tác động của EVFTA đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả EVFTA và các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, đồng thời, tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sắp có hiệu lực trong thời gian tới.

2. Yêu cầu

- Công tác triển khai thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

- Thực hiện hiệu quả việc phổ biến thông tin chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai EVFTA. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tận dụng tốt các cơ hội về mở rộng thị trường khi triển khai hiệp định.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU

- Tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả EVFTA cho các đối tượng liên quan, trong đó, chú trọng các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp,…

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin như: tổ chức hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử/website của đơn vị quản lý.

- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnhvề một số lĩnh vực như thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường EU, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường… bảo đảm các hiểu rõ, hiểu đúng, giúp việc tận dụng và thực thi được đầy đủ và hiệu quả.

- Tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức về các cơ hội và thách thức của EVFTA, trong đó, có việc cam kết thực hiện các thỏa thuận kinh tế, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước mà Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn. Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế của Tỉnh.

- Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, phối hợp thu thập, cung cấp kịp thời thông tin, dự báo về thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước của các cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại - đầu tư để các doanh nghiệp trên địa bàn có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước EU, cũng như dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

2. Hoàn thiện thể chế chính sách

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Tỉnh hiện hành để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với EVFTA. Thường xuyên theo dõi, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trên hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật. Đăng tải công khai, chính xác nội dung các văn bản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong quá trình tìm hiểu và áp dụng vào hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế; giám sát chặt chẽ việc thực hiện thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Đồng Tháp.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Hội nhập Quốc tế Tỉnh và các Ban chỉ đạo liên ngành thuộc các lĩnh vực trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực

- Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) để đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh đảm bảo phù hợp với lộ trình cam kết của Hiệp định.

- Đánh giá những tác động của EVFTA sau đại dịch Covid-19 đối với các mặt kinh tế - xã hội cũng như các ngành cụ thể, kiến nghị các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Tiếp tục xây dựng, thực hiện các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định.

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

- Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành nhằm khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.

[...]